Thủ tướng đã dành hơn một giờ để khẳng định những điểm được của ngoại giao kinh tế, đồng thời nêu ra những hạn chế, cũng như đặt ra các yêu cầu trong thời gian tới với tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc trên hết, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Đa dạng hóa thị trường, bám sát nhu cầu trong nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra, kể từ Đại hội XIII của Đảng, ngoại giao kinh tế của Việt Nam có sáu thành tựu nổi bật, trong đó có góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực phát triển đất nước.
Thủ tướng dẫn chứng cứ mỗi sau hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2023, khi ông đến thăm một số quốc gia để triển khai, cụ thể hóa những thỏa thuận cấp cao đã đạt được, ông đều cảm thấy được không khí, tình cảm tốt hơn trước.
Thủ tướng cũng chia sẻ khi ông tham dự các sự kiện đa phương, lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ ấn tượng về Việt Nam khi có đường lối ngoại giao khéo léo, đồng thời trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn vẫn kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, tin cậy chính trị cao hơn thì hợp tác kinh tế cũng hiệu quả hơn, cho ra những dự án cụ thể, những của cải vật chất cho đất nước và người dân. Ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân được tăng cường, đi lại dễ dàng thông qua các chính sách thị thực trên nguyên tắc có qua có lại cũng góp phần thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng cũng lưu ý ngoại giao kinh tế cần bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. "Phải làm những gì người ta cần, không làm những gì ta có", Thủ tướng nói. Ông diễn giải có thể thu thập được rất nhiều thông tin nhưng phải xác định được thông tin mà người dân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần là cái gì.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng hơn nữa. Trong đó tập trung khai thác tiềm năng của các thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và thị trường Halal (thị trường tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản...). Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải chủ động làm chiến lược, không đợi đến khi có sự kiện mới gặp gỡ, tiếp xúc sở tại hay bị động.
Đồng thời, phải triển khai công tác ngoại giao kinh tế có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực là xu thế của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chip bán dẫn, cơ sở dữ liệu lớn cũng như nghiên cứu thể chế, các luật lệ, kinh nghiệm của các nước trong các lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam đang gặp vướng mắc.
Kiên trì, chủ động và tích cực trong tinh thần thẳng thắn
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của ngành ngoại giao vào thành tích chung của đất nước trong ba năm qua. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý không được thỏa mãn với những gì đã đạt được.
Thủ tướng chỉ ra các điểm còn hạn chế trong ngoại giao kinh tế như: công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động, thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.
"Sự đột phá về ngoại giao kinh tế là có nhưng chưa cao, ký kết nhiều nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn khiêm tốn", Thủ tướng nói thêm.
Do đó, theo Thủ tướng, cần hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy hợp tác, cụ thể hóa các cam kết về kinh tế và rà soát quá trình triển khai các cam kết đã ký. Yêu cầu ngoại giao kinh tế phải phản ứng chính sách nhanh và kịp thời hơn, chính xác hơn. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai ngoại giao kinh tế theo tinh thần "lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ".
Thủ tướng nhấn mạnh khi triển khai ngoại giao kinh tế phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hòa về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ". Ông cũng chia sẻ về sự cần thiết của việc phải kiên trì, chủ động và tích cực trong tiếp cận, nêu và giải thích vấn đề với đối tác để tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, hướng tới tinh thần cùng thắng.
"Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng cũng phải chân thành, phải tôn trọng, phải tin cậy, thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre của chúng ta như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", Thủ tướng lưu ý.
Phiên họp ngày 21-12 có sự tham dự trực tiếp của hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng đại diện 63 tỉnh thành tham dự theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu đã thảo luận và xác định một số lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác với các đối tác chủ chốt, trao đổi về giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành ngoại giao với các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Trong đó, đặc biệt thúc đẩy một số hướng đi đột phá mới như triển khai "ngoại giao nông nghiệp" gắn với thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, đưa Việt Nam thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh đó, xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư tại vùng Vịnh và triển khai có hiệu quả đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal Việt Nam"...
Ngoại giao kinh tế mang lại kết quả thiết thực
Bên lề Hội nghị ngoại giao, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ về thành quả của ngoại giao kinh tế và kỳ vọng phát triển, hợp tác trong thời gian tới.
* Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng: Singapore nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam
Singapore là trung tâm kinh tế tài chính của Đông Nam Á, do đó chúng ta phải tranh thủ tiềm năng, lợi thế này của bạn để thu hút đầu tư, không chỉ của Singapore, mà còn với các công ty của các nước đặt tại Singapore.
Chúng ta cũng phải học hỏi Singapore về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Theo tôi biết, hai nước cũng đang thảo luận để ký hiệp định về tín chỉ carbon. Singapore rất hy vọng vào Việt Nam và cho rằng Việt Nam có tiềm năng cực lớn.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang thúc đẩy việc bán điện sạch, điện gió ngoài khơi cho Singapore. Đây là một dự án đầy tiềm năng và Singapore rất trông đợi ở Việt Nam.
Singapore cũng thấy tiềm năng logistics ở Việt Nam là cực lớn. Tháng 7 vừa rồi, tôi cũng đã giới thiệu Công ty quản lý cảng PSA của Singapore với đường sắt Việt Nam. Khi biết Việt Nam chuẩn bị mở đường sắt cao tốc Bắc - Nam, họ rất muốn giúp Việt Nam xây kho logistics trên tuyến đường sắt này. Logistics của Singapore dùng tự động, công nghệ cao và theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu có đầu tư của phía bạn vào thì tôi nghĩ là điều rất tuyệt vời.
* Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo: Tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp
EU là một khối luôn đi đầu trong các tiêu chuẩn về phát triển xanh, phát triển bền vững. Nếu tiếp cận thích ứng ngay từ đầu, chúng ta sẽ vượt được các đối thủ cạnh tranh, đạt được lợi ích kép vì đã có FTA.
Khi EU ban hành những chính sách này, Chính phủ cũng xác định đây là xu thế phát triển và Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ trong phát triển xanh.
Chính phủ đã có những trao đổi, đàm phán với EU để có các chương trình hợp tác nói chung, cho các doanh nghiệp nói riêng trong việc tiếp cận với các tiêu chuẩn của EU, trong đó có phát triển xanh, phát triển bền vững. Phần còn lại vẫn phải là tính chủ động của doanh nghiệp.
Về thương mại, các chương trình xúc tiến của các doanh nghiệp hiện nay mới làm theo cái chúng ta có mà chưa phải là đi chào hàng cái người ta cần. Về vấn đề này, đại sứ quán sở tại rất sẵn sàng và mong muốn được tư vấn cho các doanh nghiệp các câu hỏi như: thâm nhập vào thị trường cần làm cái gì, như thế nào, với ai, khi nào...
* Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành: Hy vọng về mạng lưới VietCham
Có thể nói rằng sau Hội nghị ngoại giao 31, đặc biệt là sau khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch COVID-19, công tác ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã có những bước đi mạnh mẽ, cụ thể.
Tháng 7-2022, đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đã dẫn đầu đoàn hơn 40 doanh nghiệp Thái Lan, trong đó rất nhiều doanh nghiệp của người Việt và người Thái gốc Việt tại Thái Lan, về kết nối đầu tư thương mại và du lịch tại sáu tỉnh, thành phố trọng điểm của Việt Nam là Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, TP.HCM, Bắc Giang, Hà Nội.
Trên đà kết quả tốt đẹp của chuyến thăm đó, doanh nghiệp người Việt tại Thái Lan, Hội doanh nhân Thái - Việt đã tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp người Việt tại Lào và tại Thái Lan, sau đó là Diễn đàn doanh nghiệp kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Thái Lan. Tháng 11 vừa rồi cũng đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp người Việt tại năm nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Vừa qua, Đại sứ quán đã cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Thái Lan, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Vietjet, FPT, VMO... quyết định thành lập Phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan (VietCham Thailand) nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, gây tiếng vang rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan.
VietCham sẽ là một mô hình mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại các nước. Có VietCham Thái Lan rồi thì có thể có VietCham Lào, Nga, Mỹ, một số nước châu Âu chẳng hạn.
Điều đó sẽ tạo thành một hệ thống các VietCham trên thế giới, nâng tầm của doanh nghiệp Việt Nam, nâng tầm liên kết và tầm hoạt động của doanh nghiệp. VietCham sẽ có mức độ tổ chức và liên kết cao hơn cũng như có sự phối kết hợp với các đại sứ quán tại các nước trong khu vực, từ đó làm thành một công cụ ngoại giao kinh tế rất hiệu quả. Tôi tin rằng đây sẽ là công cụ ngoại giao kinh tế trong tương lai sắp tới.
Chúng tôi đã bàn với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và hai bên cũng nhất trí sẽ xây dựng một đề án để trình Chính phủ về phát triển mạng lưới VietCham trên thế giới.
* Bà Mai Thị Thu Trang (đồng sáng lập K. Products): Tham tán thương mại hoạt động hiệu quả, hàng Việt sẽ đi xa hơn
Năm qua, chúng tôi đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật các sản phẩm gia vị, thực phẩm Việt nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản.
Trong các buổi tiếp khách, hoạt động kết nối giao thương, cơ quan tham tán ở Nhật Bản đều giới thiệu sản phẩm từ Việt Nam đến doanh nghiệp địa phương, các tổ chức thương mại.
Nhờ đó, các sản phẩm của chúng tôi đã thâm nhập được thị trường này. Tuy vậy, vẫn có những thị trường mà doanh nghiệp gần như không có thông tin dù đã cố gắng liên hệ cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước đó.
Đưa hàng ra nước ngoài, ở những thị trường khó, hằng năm chúng tôi đích thân tham dự rất nhiều triển lãm, hội chợ quốc tế để tìm hiểu thị trường, và chi phí khá tốn kém, mỗi chuyến đi như vậy không dưới 200 triệu đồng. Đây là một khoản khá lớn với doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam.
Chúng ta làm tốt mặt trận ngoại giao và đó là nền tảng rất tốt để các doanh nghiệp tự tin đi ra bên ngoài, người tiêu dùng địa phương đón nhận. Chúng tôi mong các đơn vị xúc tiến thương mại quốc tế có chương trình dành riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có yếu tố xuất khẩu, và sản phẩm mang tính bản địa, vùng miền, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu chỉ thành công chính khi có nhu cầu từ kênh bán hàng và các cơ quan đại diện sẽ cung cấp về thị hiếu, thông tin đối thủ... hay các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp nắm bắt được điều đó.
* Bà Lê Thị Trúc Lan Chi (giám đốc kinh doanh Công ty Idocean): Góp phần xây dựng Việt Nam là điểm đến sản xuất uy tín
Trên con đường chinh phục, đem hương vị trà và nông sản Việt Nam ra thế giới, chúng tôi đã vô cùng may mắn khi nhận được sự dẫn dắt từ phía cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Năm qua thị trường nội địa khó khăn, chúng tôi đã chuyển hướng xúc tiến ra nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... và tín hiệu bước đầu rất tốt nhờ mạng lưới các nhà phân phối Việt Nam ở nước ngoài và sự hỗ trợ của cơ quan đại diện.
Doanh nghiệp trước tiên phải sản xuất hàng tốt và tự hào với hàng "made in Vietnam", nhưng phải nói là nhờ các buổi kết nối giao thương, chương trình xúc tiến chung của đoàn Việt Nam, chúng tôi có được nhiều sự thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp đã nhận được nhiều hướng dẫn từ các chuyên viên, đại diện ban ngành tại các bộ, cùng góp phần đưa hình ảnh Việt Nam là điểm đến của chất lượng, sáng tạo trong sản xuất và chế biến. Tôi nghĩ đó là giá trị lớn nhất của những chương trình xúc tiến mà cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm được. Nếu doanh nghiệp tự thân sẽ khó đạt được giá trị này.
Trước các nhà ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai ngoại giao kinh tế phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Việc tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời và chính xác.