Tinh thần "thời chiến" trên công trường
Gần 17 giờ, trên công trường đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, kỹ sư, công nhân viên của Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) hối hả ăn vội bữa cơm chiều để lấy sức tiếp tục ca làm đêm. Ai cũng chỉ chăm chăm ăn nhanh qua bữa để tiếp tục tăng ca, tăng kíp, bám máy, bám công trường, nỗ lực đưa dự án về đích trước thềm năm mới theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Tinh thần bộ đội Cụ Hồ thời chiến đã được duy trì suốt gần 2 tháng qua, kể từ khi dự án bước vào giai đoạn cao điểm nước rút về đích. Tăng 3 ca 4 kíp, huy động toàn bộ lực lượng công nhân lên tới hàng ngàn người, 500 máy móc, thiết bị, vật tư, 10 giàn thảm bê tông nhựa và 5 trạm trộn bê tông được bố trí trực tiếp ngay trên dự án… Dù có những thời điểm mưa lớn kéo dài, song thời tiết bất lợi cũng không ngăn cản được quyết tâm hoàn thành dự án đúng hẹn. Hướng về phía Vĩnh Long, nút giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã gần như hoàn chỉnh; các hạng mục cống, đường dân sinh đang được thực hiện khẩn trương; phần cầu kéo những dây văng giữa sông Tiền đã sừng sững hiện lên.
Trở lại tuyến đường sau 15 ngày thực hiện một video trên mạng xã hội chạy dọc 23 km toàn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, anh R.L.Nguyễn phải thốt lên "quá thần tốc" khi chứng kiến tiến độ của dự án thay đổi từng ngày. Tuyến đường chính, đường nối đã thành hình, trải thảm nhựa, những con lươn tạm đã được tháo dỡ… nhiều người dân đã có thể hằng ngày đi lại trên tuyến để chứng kiến con đường "mơ ước" đang dần nên hình, nên dáng. Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ nối thông hoàn chỉnh tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ dài hơn 160 km, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn hơn 2 giờ thay vì gần 4 giờ như hiện nay.
"Video về cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 của tôi nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó đa phần là bà con miền Tây. Chúng tôi mong chờ dự án này đã lâu lắm rồi. Có cao tốc, có cầu Mỹ Thuận 2, từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn mất 2 giờ chạy xe. Sáng ăn cơm tấm Sài Gòn, trưa về Cần Thơ ăn lẩu cá linh là có thiệt rồi", anh R.L.Nguyễn hào hứng.
"Có cao tốc làm tôi nôn tết quá trời. Trước giờ cứ mỗi dịp lễ, tết về quê lại lo kẹt cầu, kẹt đường. Giờ thì mong tết đến nhanh để thử đi đường mới, cầu mới. Cầu Mỹ Thuận hiện nay quá tải nên thường ùn tắc, xe tải lớn nối đuôi nhau lên cầu, rất nguy hiểm. Có cầu Mỹ Thuận 2 sẽ giảm tải nhiều, an toàn hơn. Qua khỏi nút thắt này, xe cộ rẽ theo nhiều hướng khác nhau nên không còn lo ùn ứ, tai nạn nữa. Đã thế còn có cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nếu cộng với việc nâng tốc độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90 km nữa thì sẽ càng rút ngắn khoảng cách hơn. Năm sau tôi tích góp mua xe để được về quê thường xuyên hơn, có thể mỗi tháng một lần. Thậm chí có thể đi - về trong ngày, 5 giờ xuất phát từ Cần Thơ thì khoảng 8 giờ có thể vào tới trung tâm TP.HCM làm việc, khám bệnh, học hành… Hai công trình này chính là niềm vui lớn nhất của bà con miền Tây mùa tết năm nay", anh Minh Đăng (ngụ Q.11, TP.HCM, quê ở Sóc Trăng) chia sẻ.
Kết thúc 2 thập niên trông ngóng
Suốt 2 thập niên qua, trong khi nhiều tỉnh thành trên cả nước nhộn nhịp xây dựng, khánh thành rất nhiều tuyến đường cao tốc thì khu vực phía nam nói chung và ĐBSCL nói riêng gần như "đóng băng". Chỉ có một dự án đường cao tốc được khởi công (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dài hơn 50 km) và phải trải qua thời gian dài nằm im, mãi đến dịp 30.4.2022 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Bởi vậy, thông tin mỗi tuyến cao tốc vùng ĐBSCL được khởi công, hoàn thành đều mang lại niềm vui rất lớn cho những người con Nam bộ.
Giữa tháng 6 vừa qua, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh ĐBSCL với tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng cũng chính thức được khởi công. Dự kiến hoàn thành năm 2027, tuyến đường này cùng tuyến An Hữu - Cao Lãnh là hai tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng, sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho QL.1, tuyến N1, nhất là QL91 đang quá tải... Đồng thời, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.
TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), khẳng định cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hình thành đã kết thúc hơn 20 năm đằng đẵng trông đợi đối với vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển như Cần Thơ nói riêng, cũng như toàn vùng ĐBSCL nói chung. Từ năm 2000 khi khánh thành cầu Mỹ Thuận đến nay, hàng triệu người dân miền Tây đã luôn mong sớm có cao tốc kết nối để giải phóng lực lượng sản xuất cho toàn vùng, đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư để tạo ra bước đột phá về kinh tế. Song, những dự án cứ khởi công rồi lại ngưng, khởi động rồi lại "bất động", kẹt xe ùn tắc liên miên khiến Cần Thơ từ vùng đất tiềm năng rất lớn -nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, có vựa lúa gạo, thủy hải sản và trái cây phong phú - cứ mãi ì ạch, không phát triển được.
"Gần đây, Chính phủ đã tập trung nhiều hơn cho hệ thống cao tốc miền Tây, nối Cà Mau với Cần Thơ, rồi Bạc Liêu, Châu Đốc, Sóc Trăng… các tuyến trục ngang, trục dọc hình thành sẽ từng bước tháo gỡ nút thắt giao thông, mang đến cơ hội tạo cú hích cực mạnh phát triển kinh tế cho Cần Thơ nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung", TS Võ Hùng Dũng nhận định.
Với tuyến cao tốc nối liền mạch từ trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước tới vựa trái cây vùng ĐBSCL, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kỳ vọng tới đây, rau quả tươi sẽ được rút ngắn thời gian vận chuyển từ miền Tây lên TP.HCM cũng như đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nông sản vùng ĐBSCL sẽ tiêu thụ tốt hơn nhờ chất lượng tươi ngon và chi phí, giá thành giảm. Nếu tới 2025, toàn mạng cao tốc tuyến Bắc - Nam được kết nối sẽ tăng thêm cơ hội xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc.
Việt Nam có lợi thế về mặt địa lý nên xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh và cạnh tranh tốt với Thái Lan trong năm 2023. Những kết nối hiệu quả hơn về hạ tầng sẽ tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản, rau quả. Từ đó, mở hướng phát triển kinh tế mạnh cho vùng ĐBSCL.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam