PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) giải thích: "QCVN 16:2023 áp dụng cho những sản phẩm VLXD được sản xuất, nhập khẩu lưu thông trong nước với các qui định về thành phần hóa học, các loại hóa chất cấm (như amfibole), chỉ số phóng xạ, cường độ nén, độ mài mòn, thời gian thấm nước... Đặc biệt, QCVN 16:2023 nâng chuẩn hàm lượng formaldehyde trong các loại vật liệu, nhất là nhóm ván sàn công nghiệp vì có sử dụng keo và các chất phụ gia để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại thị trường nội địa, tạo sự công bằng trong sản xuất nhóm hàng này và là điều kiện quan trọng khi xuất khẩu".
Theo đó, qui định về hàm lượng formaldehyde tại QCVN 16:2023 "không lớn hơn 0,124mg/m3 hoặc 0,7mg/l hay 0,8mg/100gr" tương đương với các bộ tiêu chuẩn của các quốc gia "khó tính" như: Hoa Kỳ, Nhật, Bỉ, Anh... về biệt chất này. Nhưng theo giới chuyên môn, bộ quy chuẩn QCVN 16:2023 vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề. Ông Trần Khánh Trung - Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư TPHCM nhận xét: "QCVN 16:2023 chưa có chỉ số quy định hàm lượng các hóa chất độc hại cho nhóm hàng vật liệu nội thất: keo, silicon, vải, da, thảm, chất chống thấm, đá làm bếp, vật liệu cách âm...".
"Sát thủ thầm lặng" formaldehyde đã được chỉ mặt từ lâu với những cảnh báo "đỏ” nhưng chỉ nóng lên được vài tuần rồi rơi vào quên lãng, nhất là ở góc độ người tiêu dùng. "Các nhà sản xuất VLXD cố tình "lơ” những cảnh báo về tác hại của formaldehyde vì đầu tư vào keo an toàn sẽ có giá cao gấp 3 - 4 lần", ông Hà Nam, kỹ sư xây dựng chia sẻ. Khi xây dựng nhà ở cá nhân, vì muốn giá thành rẻ nên chọn mua những loại VLXD có giá thấp, đồng nghĩa với mức an toàn cho sức khỏe rất thấp. "Khi bước vào căn nhà mới xây xong 1 năm, vẫn còn mùi hôi của các loại vật liệu tràn ngập. Formaldehyde chính là mùi hôi đó”, ông Nam nói thêm.
Từ góc nhìn của y tế cộng đồng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế cộng đồng, ĐH Y Dược TPHCM đã chỉ ra hiện tượng bệnh lý "hội chứng khó chịu do tòa nhà” mà nguyên do là do... formaldehyde phát ra từ các loại VLXD, nội thất của ngôi nhà/văn phòng/trường học... Ông Dũng đã chỉ ra các triệu chứng khi hàm lượng formaldehyde quá cao như: nghẹt mũi, kích ứng mũi, chảy nước mũi; mắt bị khô, rát, như có cát; cảm giác thở bị vướng, nhức đầu, nặng đầu... "Formaldehyde là khí không màu, mùi hăng nồng, có tính kích ứng, là chất ô nhiễm trong nhà do sử dụng nhiều sản phẩm gia dụng và VLXD, đặc biệt sử dụng nhựa urea formaldehyde (UFR). Formaldehyde phát thải chậm trong không khí, kéo dài từ vài tháng đến 2 năm. Formaldehyde sẽ gia tăng ở môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao", PGS.TS Dũng phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Vĩ - chuyên gia đánh giá của Trung tâm kiểm định chất lượng 3 (Quatest3) cho biết, những sản phẩm nào đạt các tiêu chuẩn theo các qui chuẩn trước đây, sắp tới là QCVN 16:2023, sẽ được hợp quy, được cấp tem tiêu chuẩn theo qui định trước khi hàng hóa bày bán rộng rãi trên thị trường.
"Để hạn chế nhiễm formadehyde ở mức thấp nhất, ngoài các biện pháp như tạo không gian thoáng mát, trao đổi khí, hãy là người tiêu dùng thông minh khi sử dụng các sản phẩm nội thất đạt chuẩn về an toàn với sức khỏe con người".
Ông T.H.K - Tổng giám đốc chuỗi nhà máy khép kín sản xuất ván MDF tại Bình Phước chia sẻ: "Để giảm thiểu hàm lượng formaldehyde trong ván công nghiệp, nhà sản xuất phải kiểm soát từ keo, chất phụ gia trong quá trình tạo ra sản phẩm. Khi chọn ván sàn nên chọn những sản phẩm của các thương hiệu đã xuất hàng sang các thị trường Hoa Kỳ, Nhật, Hàn, Bỉ... vì đây là những thị trường có tiêu chuẩn kiểm soát rất khắt khe".
Chia sẻ của giới chuyên môn, nhà sản xuất lần nữa nhắc nhở các đối tượng sử dụng các loại VLXD hãy đặt vấn đề an toàn, bảo vệ sức khỏe con người lên hàng đầu, đừng ham rẻ mà tiền mất tật mang.
Xem thêm: lmth.279651_gnud-yax-ueil-tav-gnort-eohk-cus-ohc-iah-yugn-tahc-iov-gnort-nac/gnos-iod/nv.moc.nagnoc