Dự luật này chính là Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA), vốn được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước.
Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát phê chuẩn dự luật với sự đồng thuận lưỡng đảng cao (87-13), trong khi Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát cũng bỏ phiếu chấp thuận áp đảo 310-118.
NDAA, một trong những đạo luật quan trọng được Quốc hội Mỹ phê chuẩn mỗi năm, là đạo luật quyết định mọi thứ từ việc tăng lương cho quân nhân, mua sắm tàu chiến - máy bay, cho tới các chính sách hỗ trợ đối tác nước ngoài.
NDAA năm nay muốn tăng lương 5,2% cho quân nhân, nâng tổng ngân sách an ninh quốc gia lên thêm 3%, đạt 886 tỉ USD.
Reuters cũng lưu ý đạo luật này đưa tên một số công ty pin của Trung Quốc vào danh sách không đủ điều kiện để Bộ Quốc phòng Mỹ mua sắm.
Trong kế hoạch tài chính mới, đạo luật cũng gia hạn Sáng kiến Viện trợ an ninh Ukraine tới cuối năm 2026, cho phép phân bổ 300 triệu USD cho sáng kiến này trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30-9-2024 và năm tiếp theo.
Số tiền dự kiến trên nằm riêng biệt và rất nhỏ so với mong muốn chi 61 tỉ USD cho Ukraine mà chính quyền ông Biden đang yêu cầu Quốc hội thông qua. Đến nay đề xuất 61 tỉ USD vẫn mắc kẹt do sự phản đối từ Đảng Cộng hòa. Phe Cộng hòa muốn việc chi tiêu cho Ukraine phải song hành cùng gói tài chính và các biện pháp siết chặt biên giới phía nam với Mexico.
Một trong những điểm đáng chú ý khác của kế hoạch trên là việc cấm tổng thống Mỹ đơn phương rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, bất kỳ tổng thống nào muốn rút khỏi NATO cũng cần phải có đủ 2/3 số phiếu tán thành ở Thượng viện.
Nhìn chung, lưỡng đảng ở Mỹ chấp thuận gói chi tiêu 886 tỉ USD của chính quyền Tổng thống Biden. Tuy nhiên đạo luật này chỉ bật đèn xanh cho kế hoạch chi tiêu chứ không phân bổ thực tế đối với bất kỳ khoản tiền cụ thể nào.
Quốc hội Mỹ thay vào đó vẫn sẽ phải ban hành dự luật phân bổ tài chính đầy đủ cho năm 2024 vào đầu năm sau. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ nhận khoản chi tiêu tạm thời kéo dài tới ngày 2-2.
Tâm thế bi quan bao trùm quân đội Ukraine, sau khi cả Mỹ và EU đều chưa thể thông qua những khoản viện trợ quân sự cho Kiev.