VN-Index đã đóng cửa tuần 51 của năm nay (từ ngày 18 đến 22-12) ở mốc 1.103,06 điểm, tăng 0,76 điểm, tương đương 0,07% so với tuần trước. Điểm đáng lưu ý là thanh khoản giảm sâu.
Thanh khoản ở mức thấp nhất kể từ tháng 5
Dữ liệu Fiintrade cho thấy giá trị giao dịch bình quân phiên cả 3 sàn trong tuần qua ở mức 14.538 tỉ đồng, giảm 17,1% so với tuần trước và giảm 26% trung bình 5 tuần.
Tính riêng HoSE, thanh khoản trung bình dưới 11.000 tỉ đồng/phiên.
Như vậy, thị trường vừa trải qua một tuần với giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5-2023. Xét theo ngành, thanh khoản tiếp tục giảm mạnh nhất ở ngành bất động sản, tiếp đó là ngành chứng khoán, thép, xây dựng.
Cũng trong tuần này, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.681 tỉ đồng, đánh dấu phiên thứ 18 liên tiếp rút ròng.
Bình luận với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Đức Thành - chuyên gia phân tích Chứng khoán KBSV - cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến dòng tiền vào chứng khoán ảm đạm những ngày cuối năm nay.
Theo đó, lý do chủ yếu có thể đến từ tâm lý nghỉ ngơi giai đoạn cuối năm, cùng diễn biến lình xình tẻ nhạt của thị trường. Bối cảnh này, lại kết hợp với động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại khiến nhà đầu tư trong nước càng không mặn mà giao dịch.
Thêm vào đó, thời điểm hiện tại cũng là vùng trũng thông tin, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi 1, 2 tuần nữa khi các số liệu vĩ mô 2023 cũng như ước tính kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết được công bố để ra quyết định đầu tư, ông Thành nhận định.
Vì sao khối ngoại bán ròng?
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect - cũng cho rằng tuần qua giao dịch ảm đạm do thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Thanh khoản thấp thể hiện sự dè dặt của nhà đầu tư.
"Khối ngoại duy trì bán ròng 18 phiên liên tiếp đang là yếu tố gây ra tâm lý thận trọng đối với dòng tiền nội và là tác nhân chính cản trở đà phục hồi của thị trường chứng khoán", ông Hinh nói.
Vậy điều gì đã khiến dòng tiền ngoại liên tục bán ròng thời gian gần đây, bất chấp việc áp lực tỉ giá đã hạ nhiệt?
Theo ông Hinh, điều này xuất phát từ sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới. Theo đó, việc Fed phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm tới đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ tăng điểm mạnh. Thậm chí có chỉ số chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử.
"Có thể thấy thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang 'vượt trội' so với phần còn lại", ông Hinh nói.
Theo chuyên gia Chứng khoán SHS, thị trường trong ngắn hạn đang tích lũy và nếu VN-Index duy trì giao dịch trên ngưỡng 1.100 điểm, vẫn có kỳ vọng phục hồi kỹ thuật.
Nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn hiện tại nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục và theo dõi thêm diễn biến thị trường, chuyên gia khuyến nghị.
Còn nhà đầu tư trung hạn dài hạn vẫn có thể xem xét giải ngân dần trong các giai đoạn giảm điểm, mục tiêu nên hướng tới các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới, theo SHS.
Một số công ty chứng khoán sẽ mất nguồn lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất, nhà đầu tư cũng bớt đi lựa chọn lúc tiền rảnh. Tuy nhiên việc cấm "biến tướng" huy động vốn là cần thiết để giảm rủi ro cho nhà đầu tư, theo chuyên gia.