Tham dự Hội nghị có các đại biểu từ Ban Công tác liên ngành Tiến trình COMMIT Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế…
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại – Bộ Công an nêu rõ mục đích của Hội nghị nhằm “tạo diễn đàn kết nối Ban Công tác COMMIT khu vực, thúc đẩy việc thống nhất các tiêu chuẩn tối thiểu chung về quy trình và tiêu chí xác định nạn nhân, qua đó hoàn thiện Khung cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.”
Theo chương trình, đại diện Ban Công tác COMMIT các nước đã trình bày về quy trình và tiêu chí xác định nạn nhân được quy định trong luật pháp quốc gia, nêu lên những khó khăn và vướng mắc trong việc thống nhất nội dung trên và thảo luận nhóm về phương hướng giải pháp. Trình bày bài phát biểu của Việt Nam, Đại tá Vũ Văn Đấu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an khẳng định Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại giải quyết các vụ việc liên quan đến mua bán người; kịp thời phát hiện, xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân bị mua bán về nước kịp thời, an toàn.
Năm 2004, tại Yangon, Myanmar, Chính phủ 6 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng giai đoạn 1 (2004-2006) với mục đích phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, lấy trọng tâm vùng làm mục tiêu và phương pháp tiếp cận một cách đa ngành. Qua đó, đã mở ra cơ chế trao đổi thông tin và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc xây dựng khung chính sách pháp luật, hợp tác giữa các quốc gia, tư vấn chuyên môn kỹ thuật trong thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ hồi hương và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về. Tại Việt Nam, các hoạt động của Tiến trình COMMIT được triển khai lồng ghép với Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần bảo vệ quyền con người, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Quá trình thực hiện, Bộ Công an Việt Nam với tư cách cơ quan đầu mối Tiến trình COMMIT Việt Nam đã ra quyết định thành lập Ban Công tác liên ngành COMMIT bao gồm 08 cơ quan ban ngành. Hằng năm, Ban Công tác liên ngành COMMIT Việt Nam căn cứ Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ và Kế hoạch hành động tiểu vùng (SPA) để triển khai các hoạt động COMMIT Việt Nam.
Xem thêm: 53373=DImetI?lmth.02-iaogn-iod-nit-gnoht/neik-us-cut-nit/nv.vog.nagnocob