Đại lý học để bảo vệ khách hàng
Bên cạnh những đại lý bảo hiểm mùa vụ, không coi bảo hiểm là nghề, thì vẫn còn đó những đại lý bảo hiểm hướng tới sự chuyên nghiệp.
Theo đại lý bảo hiểm Mỹ Xim, một tư vấn bảo hiểm có tâm và mong muốn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình, nhất định phải đi học Khoá học Bảo vệ quyền lợi khách hàng.
“Thực sự thấm câu ‘nếu chỉ có tâm mà không có kiến thức thì bạn giống kiểu thấp cổ bé họng, công ty bảo hiểm phán sao nghe vậy’. Đi học sẽ giúp cho đại lý bảo hiểm khai mở tư duy, mang lại những kiến thức, kỹ năng mà không một công ty bảo hiểm nào đào tạo”, chị Mỹ Xim bộc bạch.
Chị cho biết, nhờ đi học, chị mới biết cách gỡ thư thỏa thuận loại trừ bảo hiểm, tăng phí bảo hiểm, từ chối của các công ty bảo hiểm; cách đấu tranh đòi công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi chính đáng cho khách hàng nếu khách hàng không cố ý trục lợi bảo hiểm; cách giúp khách hàng đòi lại công bằng cho những lần “vô tình” bị kết luận “trọng bệnh” trong hồ sơ bệnh án khi đi thăm khám mà không hề hay biết. Ngoài ra, cũng nhờ học, chị biết cách kê khai bổ sung sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cao nhất, cách giúp chị đọc hồ sơ y tế và đưa ra những tư vấn chuyên nghiệp cho khách hàng của mình.
Theo chị Mỹ Xim, đầu tư cho việc học sẽ xóa đi những dị ứng bấy lâu đối với ngành bảo hiểm, loại bỏ tư tưởng bỏ nghề, cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến nhiều người, góp phần tạo ra những thế hệ tư vấn viên thật sự chuyên nghiệp và tâm huyết.
Trên diễn đàn Nhóm Bảo vệ quyền lợi khách hàng bảo hiểm nhân thọ, nhiều đại lý bảo hiểm thời gian qua liên tiếp truyền tải thông điệp: “Lái xe mà không hiểu biển báo chỉ dẫn sẽ bị phạt nặng; Mua bảo hiểm mà không hiểu quyền lợi sẽ bị lỗ vốn; Bán bảo hiểm mà không hiểu quy tắc điều khoản sẽ giết khách; Đại lý bảo hiểm là làm nghề tư vấn chứ không phải đi bán bảo hiểm”.
“Chúng tôi biết ơn người thầy đã xây dựng cộng đồng đại lý bảo hiểm hướng đến bảo vệ quyền lợi khách hàng, chứ không chỉ chăm chăm đi bán hàng, để lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp của nghề tư vấn bảo hiểm, cái nghề thật sự cần sự thiện lương và trái tim yêu thương thấu cảm để đủ kiên trì, quyết tâm vượt khó, vượt khổ để giúp đỡ khách hàng, những người mong muốn có một giải pháp bảo vệ để an tâm trước những biến cố bất ngờ trong cuộc sống”, anh Đỗ Văn Tuấn chia sẻ.
Các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân sự |
Hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam có khoảng 700.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân và tổ chức. Số lượng đông đảo cho thấy sức hấp dẫn của nghề này, nhưng tỷ lệ nghỉ việc trong thời gian ngắn ở mức báo động, bình quân trên 80% đại lý bảo hiểm bỏ nghề sau 2 năm đầu. Thậm chí, có thời điểm, khoảng 80% đại lý bảo hiểm nghỉ việc trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề. Không ít đại lý chập chững vào nghề được vài tháng, chưa kịp biết đọc bảng minh họa bảo hiểm đã vội vàng rút lui.
Theo các đại lý bảo hiểm, chuyên gia trong ngành, các công ty bảo hiểm cũng nên vinh danh Top các MDRT bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt nhất, ngoài việc vinh danh những MDRT doanh thu. Đây cũng là cách giúp các đại lý hiểu giá trị lõi của nghề là bảo vệ khách hàng, bên cạnh việc tạo ra doanh thu cho công ty.
Với thiện ý của bên bán, có những khách hàng không phải là khách của mình, nhưng vẫn được các đại lý hỗ trợ đòi quyền lợi bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm Nguyễn Ly kể, nhờ có cộng đồng các đại lý trong Nhóm Bảo vệ quyền lợi khách hàng bảo hiểm nhân thọ hỗ trợ, một khách hàng của đồng nghiệp chị đã nhận được tiền bảo hiểm đúng, đủ sau 1 ngày khách hàng nộp đơn khiếu nại, dù trước đó đã bị công ty bảo hiểm từ chối chi trả tới 3 lần. Dẫu số tiền không lớn, nhưng nhân lên niềm tin của khách hàng dành cho bảo hiểm, vào đội ngũ tư vấn.
Theo chuyên gia huấn luyện Ngô Hà Minh, người sáng lập Nhóm Bảo vệ quyền lợi khách hàng bảo hiểm nhân thọ, có 3 nguyên nhân dẫn tới việc rất nhiều hợp đồng bảo hiểm dù đã giao kết nhiều năm, nhưng tới khi claim (yêu cầu quyền lợi) lại bị từ chối chi trả, thậm chí công ty bảo hiểm còn huỷ ngang hợp đồng không hoàn phí, nhưng nhờ đi học, đại lý đã biết được nguyên nhân và giải pháp khắc phục trọn vẹn “nỗi đau” ấy. Việc học cũng gợi mở cho các đại lý bảo hiểm cách để giúp các hợp đồng cũ sẽ an toàn và chắc chắn được chi trả sau này hoặc được huỷ hoàn phí, các hợp đồng mới chắc chắn an toàn cho cả khách hàng và tư vấn viên bảo hiểm.
Học vì một thị trường lành mạnh
Theo các chuyên gia đào tạo, một trong những yếu tố giúp ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển bền vững là đào tạo cho lực lượng tư vấn bảo hiểm hiểu đúng đủ về sản phẩm - cái mà họ đang bán bán - rồi mới tính tới việc làm hay, bán giỏi.
Ngoài học kiến thức về sản phẩm, điều khoản sản phẩm…, thì kỹ năng cũng rất quan trọng đối với người đi tư vấn một sản phẩm đặc thù, quá khó như bảo hiểm. Các khách hàng thông thái thường lựa chọn các đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp để nghe tư vấn chứ không chọn bừa.
Đại lý bảo hiểm Nguyễn Vân kể, trước đây chị nghĩ muốn làm một đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp thì chỉ cần nắm vững kiến thức về sản phẩm, điều khoản sản phẩm và kỹ năng xử lý là được. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo thì chị nhận ra rằng, kiến thức chỉ là điều kiện cần, còn kỹ năng, giải pháp bảo vệ khách hàng trước và cả sau khi bán bảo hiểm mới là điều kiện đủ của một tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp.
“Nghề nông cần công cụ là con trâu, cái cày và phải nắm rõ kiến thức của ngành nông nghiệp để canh tác. Nghề kế toán, ngoài những nguyên lý cơ bản cũng phải học chuyên sâu của ngành để biết làm và đọc báo cáo tài chính, biết thu nhập thông tin, làm công nợ, quản lý tài sản... Nghề hướng dẫn viên du lịch không chỉ học về marketing căn bản, mà còn phải học về chuyên sâu của ngành như quản trị du lịch, quản trị vận hành tour, quản trị vận hành sự du lịch... Còn nghề tư vấn viên bảo hiểm ngoài kiến thức về sản phẩm, về điều khoản, về kỹ năng, thì cũng phải trang bị thêm cho mình công cụ chuyên sâu về ngành bảo hiểm như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám chữa bệnh, Luật Tố tụng hình sự...”, chị Vân nói.
Nhiều đại lý kỳ vọng, sẽ ngày càng có nhiều đồng nghiệp chú trọng đầu tư cho việc học nâng cao kiến thức để hành nghề một cách chuyên nghiệp, tận tâm, cùng chung tay giúp ngành bảo hiểm lấy lại niềm tin của khách hàng, góp thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ như Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đặt ra.
Ông Ngô Hà Minh cho biết, các đại lý bảo hiểm nếu thực sự muốn đi xa với nghề và trao trọn giá trị nhân văn của bảo hiểm, thường sau 6 tháng sẽ bùng nổ doanh số. Học viên VIP lớp Bảo vệ quyền lợi khách hàng hiện đều là những đại lý xuất sắc, đạt danh hiệu MDRT - COT & TOT, trong đó có đại lý Thu Phương từng giúp một khách hàng nhận thành công số tiền bồi thường 75 tỷ đồng, giữ vững niềm tin và giá trị bảo hiểm nhân thọ.
Theo ông Minh, mục tiêu là đảm bảo sự công bằng, minh bạch của bảo hiểm, đào tạo được đội ngũ đại lý đủ năng lực, đạo đức để không chỉ bảo vệ trọn vẹn quyền lợi khách hàng, mà còn lấy lại niềm tin của người dân, nâng tỷ lệ người dân sở hữu bảo hiểm nhân thọ lên 50% trong 30 năm tới và đạt 80 - 90% trong 50 năm tới.