Đài CNN trích dẫn nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Computational Science cho biết các nhà khoa học Đan Mạch và Mỹ đã phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng dự đoán thời điểm qua đời của con người với độ chính xác cao.
Hệ thống AI nói trên có tên là "life2vec”, nó có khả năng đưa ra phán đoán về hành vi và thời điểm qua đời của con người trong tương lai dựa trên dữ liệu được cung cấp với độ chính xác lên đến 78% trong lần thử nghiệm gần nhất.
Ông Sune Lehmann, người dẫn đầu nghiên cứu và giáo sư tại đại học Kỹ thuật Đan Mạch, khẳng định chỉ cần có dữ liệu, các nhà khoa học “có thể thực hiện mọi loại dự đoán” bằng phát minh này.
Ông Lehmann cùng nhóm nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu nhân khẩu học của 6 triệu người tại Đan Mạch trong giai đoạn từ 2008 đến 2016 cho life2vec. Sau đó, họ tiến hành điều chỉnh khả năng diễn đạt ngôn ngữ của AI này để nó có thể viết ra dự đoán.
Hệ thống life2vec đã đưa ra một số dự đoán về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người Đan Mạch, thậm chí là thời điểm chết của họ.
Bất ngờ vì điều này, đội ngũ nghiên cứu tiếp tục cung cấp dữ liệu của 2,3 triệu người khác có độ tuổi 35 từ 65 trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2008 đến ngày 31-12-2015 cho life2vec.
Ông Lehmann cho biết nhóm người này được chọn vì họ có tỉ lệ tử vong cao và chỉ có các nhà nghiên cứu mới biết những ai đã qua đời còn life2vec thì không.
Họ yêu cầu life2vec dự đoán những người sẽ sống sót qua năm 2016 và nó đã đoán đúng 78% trường hợp - một con số vô cùng ấn tượng.
Giáo sư Lehmann lưu ý rằng life2vec được đào tạo dựa trên dữ liệu chưa đầy đủ tại Đan Mạch, thế nên nó sẽ không thể đưa ra dự đoán đúng đối với dân cư ở nơi khác.
Cả ông Lehmann lẫn tiến sĩ Arthur Caplan - người đứng đầu Khoa Đạo đức Y khoa tại trường y Grossman thuộc đại học New York, đều cho rằng ngành bảo hiểm sẽ gặp nhiều bất lợi nếu life2vec được thương mại hóa.
Ông Caplan còn lo ngại việc sử dụng AI để biết trước kết quả trong tương lai sẽ khiến con người chủ quan và cuộc sống trở nên vô vị.
Hệ thống AI đã dự đoán đúng vị trí của 14 trận động đất trong phạm vi khoảng 300km tính từ tâm chấn thực sự và với cường độ gần như chính xác.