Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ngày 22-12, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về phát triển, đầu tư điện gió, mặt trời.
Theo đó, ông Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung báo cáo, tính chính xác số liệu, kết luận, kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra.
"Cần bảo đảm chính xác, khách quan, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định và không để thất thoát tài sản nhà nước", Phó thủ tướng nêu quan điểm.
Theo kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ chỉ ra Bộ Công Thương không thực hiện đúng quy định lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, không đúng thời kỳ quy hoạch đến năm 2020; chậm trễ lập, trình phê duyệt quy hoạch sau gần 20 tháng kể từ khi ban hành quyết định về phát triển điện mặt trời, hiệu lực thi hành chỉ còn 6,5 tháng.
"Thực tế cho thấy quy hoạch điện mặt trời mà Bộ Công Thương lập, trình đã không được Thủ tướng phê duyệt, cũng không có quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh đến năm 2020" - Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận thanh tra ngày 28-4.
Đáng chú ý, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt là 850MW nhưng Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521MW, trong khi không có quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020 được lập, được xác định là không có căn cứ pháp lý.
Rà soát trên cơ sở pháp lý, kết luận thanh tra cũng cho rằng việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50MW vào quy hoạch cấp tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt dự án trên 50MW vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh là không có căn cứ pháp lý.
Dẫn chứng thực tế, từ năm 2016 đến 2020 đã phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực các cấp 557 dự án nguồn điện. Riêng với điện mặt trời, đã phê duyệt 168 dự án tổng công suất 14.707 MW/850MW, cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Cộng thêm với 7.864MW nguồn điện mặt trời mái nhà, nâng tổng công suất lên thành 16.506MW, cao gấp gần 20 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, gây nhiều khó khăn cho vận hành.
Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506MW, cao gấp hơn 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.
Tại thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, đối với việc chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc sang Bộ Công an, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền.
Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả trong tháng 3-2024.
Lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh ra, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4-2024.
Hôm 20-12, tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 bị xác định có những vi phạm, khuyết điểm ở mức "nghiêm trọng, cần xử lý kỷ luật" trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió, xăng dầu cũng như liên quan tới đấu thầu các dự án, gói thầu do AIC thực hiện.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu thực hiện và xử lý nghiêm các vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra cung ứng điện, trong khi đó EVN đã lên kế hoạch khắc phục các bất cập tồn tại được chỉ ra và kiểm điểm hàng loạt lãnh đạo.