Các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thanh Hóa cùng có chung đề nghị Bộ Tài chính thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy.
Đề xuất này được đưa ra với lý do từ các nghiên cứu cho thấy phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị. Trong đó mô tô, xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, người dân xung quanh đề xuất này.
* Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (Lạng Sơn):
Cần có lộ trình phù hợp
Tôi rất ủng hộ các giải pháp kiểm soát khí thải của xe cộ nói chung, trong đó có xe máy, để đảm bảo đời sống của người dân về môi trường.
Khi chúng ta có các giải pháp để quản lý tốt được khí thải phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ; là một trong các điều kiện để chúng ta thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 2016 - Chính phủ Việt Nam cũng cam kết lộ trình phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên với đề xuất quy định thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy cần đánh giá tính khả thi cũng như những tác động về mặt kinh tế - xã hội của đề xuất quy định thu phí này. Trên cơ sở đó, phải có lộ trình phù hợp.
Bởi thực tế ở nước ta hiện có khoảng 70 triệu xe máy, một mặt gây ra nhiều khí thải tại các khu đô thị nhưng mặt khác đối với nhiều người đó là phương tiện duy nhất để đi lại và kiếm sống. Vì vậy khi chúng ta đưa ra các yêu cầu xe máy cần phải thu phí khí thải thì cần đánh giá kỹ việc thực hiện quy định này. Việc thu phí sẽ thực hiện ra sao, thu trên đầu phương tiện theo năm hay bằng cách thức cụ thể thế nào.
Cùng với thu phí, kiểm soát khí thải của xe máy, chúng ta phải có thứ tự ưu tiên và cần có lộ trình, có giải pháp đồng thời mang tính chất thay thế các phương tiện đã có. Ví dụ như Chính phủ phải có những chính sách khuyến khích người dân đang sử dụng những xe máy cũ chuyển đổi sang sử dụng xe máy mới hoặc sang những loại xe máy điện chẳng hạn.
Bên cạnh đó, ưu đãi về thuế cho các cơ sở sản xuất hay hỗ trợ trực tiếp cho những người mua. Chúng ta cũng phải có các lộ trình, đưa ra các quy định làm rào cản cho các xe máy cũ, khi đi vào các khu đô thị thì phải kiểm định... Cần phải có các giải pháp tổng thể như vậy mới khả thi.
* Đại biểu TRƯƠNG XUÂN CỪ (Hà Nội):
Phải nghiên cứu cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học
Tôi chưa hình dung ra việc đề xuất thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy sẽ thực hiện như thế nào, sẽ thu theo năm, theo xe hay theo dung tích của xe...
Cá nhân tôi cho rằng cần nghiên cứu rất kỹ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để đưa ra đề xuất thu phí khí thải đối với ô tô, xe máy.
Phải làm rất rõ nội dung này, có đánh giá tác động trên nhiều mặt, nghiên cứu rất kỹ, lấy ý kiến người dân, các tổ chức, nhà khoa học...
Khi có đầy đủ các căn cứ thì cần áp dụng thí điểm tại một số địa phương để đánh giá cụ thể tính hiệu quả, các tác động, những mặt không được, khó khăn. Đồng thời xem có nên mở rộng đại trà hay không.
Thêm vào đó nếu giả sử tính thu trên đầu phương tiện của người dân mà trường hợp phương tiện tốt, đảm bảo tiêu chuẩn khí thải châu Âu mà lại thu như phương tiện cũ, gần hết hạn sử dụng, không đảm bảo... Việc này sẽ gây mâu thuẫn, bất hợp lý, không có sự công bằng.
Vì vậy trước mắt chưa nên thực hiện đề xuất này và chỉ thực hiện thí điểm khi có đủ căn cứ, đánh giá tác động đầy đủ.
* TS KHƯƠNG KIM TẠO (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Gây ảnh hưởng cuộc sống người dân
Trong tình hình hiện tại khi ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm khí thải do ô tô, xe máy gây ra ở các đô thị lớn thì đề xuất thu phí khí thải với các phương tiện này cũng là hợp lý.
Thực tế ở các nước trên thế giới họ đã thu phí bảo vệ môi trường với xe từ rất lâu và thường thu theo phân khối của ô tô.
Song với nước ta hiện nay xe máy là phương tiện đi lại của người dân có thu nhập không cao. Do vậy, việc thu phí có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Hiện nay mục tiêu của chúng ta đang tìm mọi cách để nâng cao đời sống của người dân, nhất là người dân gặp khó khăn. Nếu lại tiếp tục thu phí khí thải với những người dân còn khó khăn này thì không nên và khó khả thi. Tôi cho rằng cần nghiên cứu thêm.
* Chuyên gia giao thông BÙI DANH LIÊN:
Chưa khả thi
Việc thu phí khí thải của xe không phải vấn đề xa lạ với thế giới. Tuy nhiên họ làm một cách minh bạch, triệt để và có lợi cho người dân.
Còn với đề xuất thu phí khí thải của phương tiện ở Việt Nam hiện nay, cá nhân tôi thấy chưa có tính khả thi và có thể dẫn tới phí chồng phí.
Điển hình là việc chủ phương tiện giao thông đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường khi mua xăng, nếu lại đóng thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ không hợp lý.
* TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM):
Chưa phù hợp!
Việc thu phí khí thải đối với xe cộ đã có một số nước làm, nhưng ở nước ta thì chưa phù hợp. Bởi vì nước ta còn rất nhiều xe máy, ô tô chạy xăng dầu nên thu phí chắc chắn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó xe máy chiếm phần lớn tổng lượng xe đang lưu hành, là kế sinh nhai của không ít người yếu thế trong xã hội.
Hiện nay trong giá xăng dầu đã có phí môi trường thì phí khí thải đối với ô tô, xe máy được tính toán ra sao cần làm rõ. Nếu đặt vấn đề thu phí lúc này thì e rằng không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Với mục đích bảo vệ môi trường, các đơn vị có thể nghiên cứu bắt đầu từ khuyến khích chuyển đổi sang xe điện, phát thải sạch ra môi trường. Có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi, xử lý xe cũ phát thải cao... giảm khí CO2 ra môi trường.
Trước đây TP.HCM đã từng thí điểm kiểm soát khí thải xe máy (đối với xe máy sau năm năm sử dụng). Cùng với đó là nghiên cứu chính sách hỗ trợ bảo dưỡng, thu mua, định hướng chuyển đổi sang phương tiện sạch.
Quá trình làm có lộ trình, có thời gian để người dân làm quen dần. Phương án này giúp kiểm soát khí thải, bảo vệ môi trường hợp lý hơn là áp dụng thu phí.
* Ông Trần Kiếm Hoa (ngụ huyện Long Thành, Đồng Nai):
Thuế chồng thuế
Vừa qua tôi có xem báo đài nói về đề xuất thu phí khí thải đối với các xe cộ. Theo tôi, việc thu phí khí thải thời điểm này là chưa phù hợp. Bởi xe nào chạy xăng dầu khi lưu thông trên đường mà không xả khí thải, miễn sao khí thải sinh ra phải đạt tiêu chuẩn cho phép, không gây ô nhiễm môi trường.
Đối với những xe phát khí thải ô nhiễm nhiều, nếu cho lưu hành thì bắt buộc đóng thuế cao, từ đó chủ phương tiện kịp thời sửa chữa, như vậy hợp lý hơn.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng liên quan có thể tổ chức lực lượng kiểm tra và xử phạt đối với những xe không đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Điều này góp phần hạn chế được việc phương tiện giao thông xả thải vượt chuẩn.
Lâu nay chúng ta đã thu phí sử dụng đường bộ, theo tôi được biết, số tiền này nộp về cơ quan nhà nước để xây dựng, sửa chữa đường, như vậy đúng mục đích và hợp lý hơn.
Trường hợp muốn thu phí khí thải từ xe cộ, tôi cho rằng cần có kế hoạch, phương án dự chi cụ thể, sử dụng vào việc gì, giải pháp ra sao để khắc phục, bảo vệ môi trường có không khí trong lành..., tránh việc thuế chồng thuế.
* Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Đồng Nai:
Khó khăn thêm chất chồng
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trong điều kiện hiện nay, việc đặt thêm một mức phí mới sẽ khiến doanh nghiệp vận tải thêm điêu đứng, khó khăn thêm chồng chất.
Về vấn đề thu phí khí thải, tôi được biết các nước đã làm từ lâu, theo tiến trình thì việc thu phí này cũng phù hợp, quan trọng là thu tới đâu và thu như thế nào. Phía cộng đồng doanh nghiệp cơ bản cũng ủng hộ, song cần có lộ trình cụ thể. Nhất là thời điểm khó khăn như hiện nay.
* TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG (chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường):
3 nguyên nhân chưa nên thu phí khí thải
Có ba nguyên nhân khiến đề xuất thu phí đối với khí thải xe cộ chưa nên áp dụng trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, từ kinh nghiệm quốc tế, hiện nay các nước chỉ tập trung thu phí khí thải đối với các cơ sở sản xuất. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ, cơ quan chức năng sẽ tính toán mức thu phí cố định và đảm bảo hợp lý.
Còn đối với các cơ sở sản xuất lớn, việc thu phí sẽ dựa vào nồng độ phát thải, phát thải càng nhiều chỉ số nguy hiểm, việc thu phí càng cao.
Thứ hai, phương tiện giao thông ở Việt Nam hiện đã được thu thuế bảo vệ môi trường thông qua xăng dầu với mức tối đa là 4.000 đồng/lít. Đây là con số không nhỏ.
Đồng thời, lượng khí thải ra môi trường phần lớn từ các xe sử dụng động cơ đốt trong. Việc thu thuế bảo vệ môi trường thông qua xăng dầu đã đảm bảo thu triệt để đối với xe cộ phát thải. Nếu thu thêm phí khí thải, có thể dẫn đến tình trạng chồng lấn.
Thứ ba, hiện nay việc ô nhiễm không khí ở các địa phương không giống nhau về mức độ. Đáng chú ý, các địa phương đề xuất thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông là các tỉnh có lượng xe cộ không quá lớn, việc ô nhiễm không khí do nguồn thải này chưa quá đáng ngại.
Thăm dò ý kiến
Nhiều tỉnh đề xuất thu phí khí thải ô tô, xe máy để giảm ô nhiễm môi trường, ý kiến của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Một loạt tỉnh gồm Tây Ninh, Kon Tum, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thanh Hóa cùng có chung đề nghị Bộ Tài chính thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông.