vĐồng tin tức tài chính 365

50 năm Hiệp định Paris - Những cuộc trao trả tù binh: Những người giám sát đặc biệt

2023-12-24 14:54
Nụ cười chị Võ Thị Thắng ngày được trao trả ở Lộc Ninh năm 1973 và các sĩ quan giám sát của đoàn Hungary đã cười lại với chị - Ảnh tư liệu

Nụ cười chị Võ Thị Thắng ngày được trao trả ở Lộc Ninh năm 1973 và các sĩ quan giám sát của đoàn Hungary đã cười lại với chị - Ảnh tư liệu

Mở lại những bức hình tư liệu đã ố màu về trao trả tù binh năm 1973, người ta thấy người tù đi giữa các quân nhân với nhiều sắc phục. Nhưng ít người trẻ sau này biết trong các bức hình lịch sử đó còn có những sĩ quan Ba Lan, Hungary, Canada, Indonesia.

Đặc biệt là nữ tù nổi tiếng Võ Thị Thắng đã nở nụ cười tươi khi đi ngang qua những người mặc quân phục trong một cuộc trao trả đầy bất ngờ. Và các sĩ quan giám sát quốc tế cũng nở nụ cười thật tươi lại với chị.

Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến

"Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, một ban liên hợp gồm bốn phái đoàn đại biểu quân sự của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa được thành lập để đảm bảo thực thi các điều khoản hiệp định.

Cùng ban liên hợp này còn có Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát (ICCS). Họ chính là những con mắt, là tiếng nói của quốc tế về việc thực thi đình chiến và trao trả tù binh ở Việt Nam như thế nào...", đại tá Nguyễn Văn Lâm, sĩ quan liên lạc phái đoàn đại biểu quân sự Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vẫn nhớ mãi dù 50 năm đã trôi qua.

Được chính máy bay C130, chuyên cơ không lực Mỹ, chở từ Hà Nội vào Sài Gòn để thực thi nhiệm vụ trong ban liên hợp ở trại Davis, đại tá Lâm ngày ấy đã không ít lần tiếp xúc với các thành viên ủy ban quốc tế này.

"Họ đến từ Hungary, Ba Lan, Canada, Indonesia để cùng giám sát việc thực thi Hiệp định Paris với tác phong rất cởi mở, thân thiện nhưng cũng rất nguyên tắc, chuyên nghiệp. Các đợt trao đổi tù binh hay Mỹ rút quân về nước đều được sự giám sát chặt chẽ của họ", ông Lâm nhớ lại. Tại tất cả địa điểm trao đổi tù binh ở Lộc Ninh (Bình Phước), Quảng Trị hay ngay tại phi trường Gia Lâm, Hà Nội đều có sự giám sát đầy đủ của ủy ban quốc tế này.

Không ít lần những người ở hai bên chiến tuyến khi giáp mặt với nhau tại nhiệm vụ trao trả, đã xảy ra tranh cãi căng thẳng, thậm chí đến lằn ranh nguy hiểm, nhưng chính những giám sát viên quốc tế này là nhân chứng khách quan và góp phần quan trọng để giải quyết vấn đề.

Ngược thời gian trở lại thời điểm trước khi Hiệp định Paris được ký, vấn đề thành lập ICCS, Ủy ban Quốc tế về kiểm soát và giám sát đình chiến ở Việt Nam đã được thảo luận. Từ giữa tháng 9-1972, ông cố vấn Lê Đức Thọ và Kissingger đã thỏa thuận ICCS sẽ có bốn thành viên.

Tuy nhiên, bốn thành viên đó là các quốc gia nào thì có tranh luận gay gắt giữa các phía. Chính phủ CMLTCHMNVN đề cử Cuba. Phía Việt Nam Cộng hòa từ chối và đề nghị là quốc gia trung lập. Phía Mỹ đề cử thêm Nhật Bản và Indonesia.

Nhưng những cuộc tranh luận vẫn chưa dừng lại. Cho đến 27-1-1973, bốn thành viên quốc tế được chính thức công bố trong ICCS là Ba Lan, Hungary, Canada và Indonesia. Riêng phái đoàn Canada thực thi nhiệm vụ quốc tế giám sát ở Việt Nam đã rút vào tháng 10-1973 để thay bằng đoàn Iran.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tiếp thiếu tướng Tolgyes, trưởng phái đoàn giám sát quốc tế Hungary ở trại Davis - Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tiếp thiếu tướng Tolgyes, trưởng phái đoàn giám sát quốc tế Hungary ở trại Davis - Ảnh tư liệu

Chứng nhân khách quan

Nhắc nhớ tháng năm không quên ở trại Davis, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, trưởng phái đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLTCHMNVN (người vào thay trung tướng Trần Văn Trà rút ra để tiếp tục chỉ huy quân giải phóng), kể ông có nhiều kỷ niệm với các đoàn Hungary và Ba Lan.

"Ngày 2-9 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hay Tết cổ truyền, họ đều vào khu vực chúng tôi ở trại Davis để chia vui. Họ rất thích ăn bánh chưng, hút thuốc lá Thăng Long, Điện Biên và vui vẻ với anh em. Nhưng khi họ làm việc thì rất nguyên tắc, không ngại vất vả sớm khuya, nguy hiểm gì trên một đất nước vẫn chưa chấm dứt chiến tranh", ông Tuấn kể.

Để thực thi điều khoản trao trả tù binh và đình chiến, các giám sát viên quốc tế này đã phải thực hiện rất nhiều chuyến bay do phi công Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lái. Ngày 7-4-1973, một máy bay của ủy ban quốc tế do phi công Mỹ lái từ Quảng Trị đi Lao Bảo đã rơi khi bay lạc khỏi hành lang an toàn quy định.

Các sĩ quan giám sát của phái đoàn Hungary trực tiếp dẫn tù binh  - Ảnh tư liệu

Các sĩ quan giám sát của phái đoàn Hungary trực tiếp dẫn tù binh - Ảnh tư liệu

Trên chuyến bay có hai sĩ quan giám sát người Hungary, hai sĩ quan người Indonesia và hai cán bộ phái đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLTCHMNVN. Sự việc gây ầm ĩ trên báo chí.

Những cuộc điều tra được yêu cầu thực hiện và cuối cùng chính phía Hungary, phái đoàn có hai sĩ quan tử nạn, đã xác nhận chuyến bay trực thăng này đã bay lạc khỏi hành lang an toàn, vào sâu vùng căn cứ kháng chiến. Lần khác, một trực thăng của quân Sài Gòn chở phái đoàn ở trại Davis đi liên lạc thường kỳ tại Lộc Ninh.

Chuyến đi bình thường, nhưng lượt về thì phi công đột ngột hạ cánh xuống quốc lộ 13, đoạn Bến Cát, Bình Dương, để chỉ cho các sĩ quan cách mạng trên máy bay thấy có vết đạn bắn từ mặt đất lên trúng thân máy bay. Sự việc lại phức tạp, nhưng cuối cùng chính các đoàn giám sát quốc tế cũng xác nhận máy bay đã bay vượt hành lang an toàn quy định.

Hồi ức của ông Nguyễn Quang Biểu, phiên dịch phái đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLTCHMNVN, cũng nhắc lại một vụ nghiêm trọng khác đã được "con mắt" giám sát viên quốc tế làm rõ để không ảnh hưởng đến việc trao trả tù binh.

Tháng 3-1974, một địa điểm tại vùng giải phóng giáp ranh Đức Cơ, Tân Cảnh (Kon Tum) được chọn làm bãi đáp để trao trả 10 tù binh Việt Nam Cộng hòa. Ông Biểu cùng đồng đội là thiếu tá Phương Nam, tổ 12 sĩ quan của ủy ban quốc tế và các sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ngồi trên hai trực thăng UH1 để từ Pleiku đến bãi trao trả.

Tuy nhiên, bay được một lát thì những người trên máy bay nghe có tiếng lụp bụp như có đạn bắn lên hướng máy bay. Phi công cho máy bay quay đầu về. Ngay sau đó, một cuộc họp khẩn cấp của ủy ban quốc tế để đánh giá tình hình nguy hiểm. Cuối cùng, sự thật được làm rõ là hôm ấy mây mù, phi công lại bay cao, không thấy bãi đáp an toàn nên đã vượt quá Tân Cảnh, nơi đang có chiến sự ác liệt nên bị nhắm bắn.

Các giám sát viên quốc tế một lần nữa lại kịp khách quan giải tỏa vấn đề phức tạp có thể ảnh hưởng đến việc trao trả tù binh. Chiều hôm đó trời trong, các đoàn lại lên máy bay theo đúng hành lang quy định và hạ cánh an toàn xuống bãi đáp. Bị chậm vài giờ nhưng 10 tù binh Việt Nam Cộng hòa đã được trao trả đầy đủ.

Tranh thủ lúc một chiếc trực thăng chuyến về bị trục trặc, phải sửa chữa tại chỗ, ông Biểu đã dẫn các sĩ quan giám sát người Ba Lan và Hungary ra khỏi bãi trao trả để tận mắt chứng kiến khung cảnh bị bom đạn chiến tranh tàn phá khốc liệt. Gặp chỉ huy quân giải phóng phụ trách việc trao trả, ông Biểu hỏi chuyện bắn máy bay buổi sáng, và được anh ta xác nhận có cao xạ 37 ly bắn lên vì máy bay đã vượt quá hành lang an toàn, vào vùng chiến sự.

Nếu không có mặt các giám sát viên quốc tế, sự việc có thể đã rất phức tạp, ảnh hưởng đến việc thực thi Hiệp định Paris.

Trong cuốn Trại Davis 283 ngày đêm, ông Phạm Hồng, sĩ quan phái đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLTCHMNVN, kể hồi ức đợt trao trả tù binh đầu tiên ở phi trường Lộc Ninh đã có đủ thành phần quốc tế giám sát là các đoàn Ba Lan, Hungary, Canada và Indonesia. Mặc dù bị những trục trặc sát giờ, nhưng việc trao trả vẫn diễn ra thành công. Phía Mỹ được nhận lại 27 quân nhân của họ như là một trong những điều kiện tiên quyết để Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.

Hôm ấy, một giám sát viên quốc tế là đại úy phái đoàn Indonesia dù có vẻ thân thiện với phía Việt Nam Cộng hòa, vẫn nói những lời khâm phục tinh thần kiên cường của những tù binh là các chiến sĩ cách mạng.

-------------------------

Hàng chục ngàn tù binh hai phía Việt Nam đã được trao trả sau hiệp định. Có vượt qua chiến tranh thương đau, mới biết trân trọng giá trị hòa bình.

Kỳ tới: Vượt qua chiến tranh thương đau

50 năm Hiệp định Paris - Những cuộc trao trả tù binh - Kỳ 2: Nước mắt ngày trở về50 năm Hiệp định Paris - Những cuộc trao trả tù binh - Kỳ 2: Nước mắt ngày trở về

Sau thời gian đàm phán căng thẳng ở Hội nghị Paris và trại Davis (Sài Gòn) về việc thực thi trao trả tù binh theo điều khoản hiệp định đã ký kết ngày 27-1-1973, đợt trao trả đầu tiên ở sân bay Lộc Ninh (Bình Phước) được thực hiện vào chiều 12-2-1973.

Xem thêm: mth.52831723232213202-teib-cad-tas-maig-iougn-gnuhn-hnib-ut-art-oart-couc-gnuhn-sirap-hnid-peih-man-05/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“50 năm Hiệp định Paris - Những cuộc trao trả tù binh: Những người giám sát đặc biệt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools