Như Thanh Niên đề cập, tại Đại hội XIII Công đoàn VN diễn ra mới đây, một trong những kiến nghị do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN nêu ra được dư luận xã hội rất quan tâm, đó là kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu sớm giảm giờ làm việc cho người lao động (NLĐ) thấp hơn 48 giờ/tuần.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nhận định: "Việc giảm giờ làm tạo điều kiện để NLĐ nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình…".
Giảm giờ làm việc của lao động trong doanh nghiệp xuống dưới 48 giờ/tuần là phù hợp với xu thế tiến bộ; song cũng có nhiều ý kiến cho rằng ở thời điểm này chưa hợp lý.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng thời điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc hợp lý nhất là khi nền kinh tế tăng trưởng mức thang mới, khi VN là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao. Ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, KCN Quang Châu (Bắc Giang), cũng cho rằng hiệu suất làm việc của NLĐ hiện tại vẫn chưa cao: "Khi nào tăng hiệu suất lên thì hãy tính, còn hiệu suất thấp mà giảm giờ làm thì cũng không hợp lý".
Tăng hiệu suất lao động
Câu hỏi về hiệu suất lao động một khi "đưa thành luật" để quy định đưa giờ làm việc của NLĐ về dưới mức 48 tiếng/tuần, thậm chí là 40 tiếng/tuần, liệu có ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về giá nhân công của nền kinh tế đã được nhiều bạn đọc (BĐ) đặt ra. BĐ T.Đ.B nêu ý kiến: "Làm kín lịch, thời gian đâu cho bạn bè, gia đình, con cái, yêu đương, tiêu dùng. Thực tế, bình thường NLĐ cũng đã tăng ca liên tục các ngày trong tuần rồi. Cho họ nghỉ thêm ngày thứ bảy để khoan sức. Còn nếu lo năng suất lao động chưa đủ thì mạnh dạn kết hợp công nghệ, tự động hóa quy trình vào sản xuất và đào tạo NLĐ, tăng lương để họ kiểm soát quy trình".
Tán thành, BĐ Ama Manh phân tích thêm: "Chủ trương là đúng, nhưng theo tôi cần chú trọng vào thực chất, cụ thể là nhóm đối tượng NLĐ nhận tác động trực tiếp ra sao. Nếu thu nhập còn hạn chế thì NLĐ bằng cách này hoặc cách khác làm thêm để cải thiện mức sống, và như vậy thì mục tiêu tái sản xuất sức lao động sẽ không đạt. Chính vì vậy, việc ưu tiên quan tâm sâu hơn đến khía cạnh tăng hiệu quả và hiệu suất lao động mới cần thiết".
Ở chiều ngược lại, nhiều BĐ thậm chí bày tỏ "thời điểm hiện tại còn muốn được làm nhiều giờ hơn". BĐ Long Thang cho biết bản thân là một NLĐ và sự băn khoăn chủ yếu nằm ở chỗ "làm 40 tiếng/tuần có được hưởng lương, phúc lợi như 48 tiếng/tuần?". BĐ này nói thêm: "Việc cấp thiết giờ đây là làm sao cho DN có nhiều đơn hàng, để không phải cắt giảm NLĐ".
Áp dụng, thử nghiệm từng bước
Đa số BĐ cho rằng để áp dụng hoàn toàn việc đưa ngay mức giờ lao động xuống thấp hơn 48 tiếng/tuần ở thời điểm hiện tại là khó khăn, tuy nhiên phương án không phải không có. BĐ Tuấn An nêu: "Rất đồng ý với một ý kiến chuyên gia là điều chỉnh giảm giờ làm việc sẽ hợp lý nhất khi nền kinh tế tăng trưởng mức thang mới. Chính vì vậy, mặc dù chưa thể áp dụng đại trà nhưng hoàn toàn có thể tập trung thí điểm ở một số ngành, nghề phù hợp".
BĐ Tâm An đề xuất: "Có thể bố trí lệch ngày nghỉ trong tuần đối với những nhóm lao động đặc thù. Ví dụ, để NLĐ không phải xin nghỉ việc để đi khám bệnh, hoặc làm thủ tục hành chính, là giúp cho hiệu suất lao động tăng cao ngay thôi. Hiện tại, NLĐ muốn khám BHYT hay đi làm hồ sơ hành chính là phải xin nghỉ ngày làm việc. Sao không bố trí để khối hành chính, bệnh viện nghỉ 2 ngày khác thứ bảy, chủ nhật nhỉ?".
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
Rất cần các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xem xét để có lộ trình giảm giờ làm, và cả việc xem xét thí điểm.
Trịnh Cường
Có nhóm NLĐ mà việc rút ngắn thời gian làm việc còn 40 giờ hay không cũng không có tác động gì đáng kể. Đó là khi các DN có xu hướng trả lương theo năng suất thực tế, thường chọn cách khoán chỉ tiêu, khoán sản phẩm, chứ không còn chấm công để chi trả thù lao cho từng người.
Ama Manh