Liên quan đến vụ World Bank hủy tài trợ 2 hợp đồng trị giá hơn 10 triệu USD trong hợp phần 2 của tiểu dự án môi trường bền vững tại TP Nha Trang (viết tắt CCSEP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), sáng 25-12, nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết World Bank chưa phản hồi về đề nghị của Khánh Hòa là đồng ý để tỉnh sử dụng ngân sách để tiếp tục đầu tư hợp phần 2 đó.
Hai hạng mục thuộc hợp phần 2 tiểu dự án CCSEP Nha Trang bị World Bank hủy tài trợ vốn hợp đồng xây dựng là kè và đường nam sông Cái Nha Trang cùng kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử (khu vực Tháp Bà Ponagar), có tổng vốn đầu tư hơn 250 tỉ đồng (tương đương hơn 10 triệu USD).
World Bank đề nghị Khánh Hòa hủy hoàn toàn hợp phần 2
Trong thư gởi chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa để thông báo về việc hủy tài trợ vốn đầu tư (hơn 10 triệu USD) cho 2 hợp đồng thuộc hợp phần 2 kể trên, bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - đề nghị tỉnh "nên hủy hoàn toàn hợp phần 2 khỏi tiểu dự án CCSEP Nha Trang, để tránh mọi nhầm lẫn về việc liệu các hoạt động của hợp phần 2 có phải là một phần của dự án do World Bank tài trợ hay không".
Nhưng tỉnh Khánh Hòa không thống nhất với lựa chọn và yêu cầu đó của World Bank.
Vì vậy, theo World Bank, mọi hoạt động trong tương lai của hợp phần 2 vẫn bị chi phối bởi các điều khoản và điều kiện của hiệp định vay và hiệp định tài trợ, bao gồm cả việc tuân thủ theo khung chính sách tái định cư (RPF) của dự án, và kế hoạch hành động tái định cư (RAP) của tiểu dự án khi thu hồi đất và tái định cư cho dân.
Theo đó, nếu tỉnh quyết định tài trợ hoàn toàn cho các hoạt động của hợp phần 2 bằng nguồn vốn đối ứng thì nguồn vốn này phải được cấp trước khi bất kỳ hoạt động thu hồi đất và tái định cư nào thuộc hợp phần 2 được triển khai lại trước ngày kết thúc dự án hiện tại.
Cần điều chỉnh phương án bồi thường đúng chính sách của dự án
World Bank cũng lưu ý tỉnh về việc cơ quan này đã phát hiện có 50 trong số 60 hộ dân bị ảnh hưởng đã bàn giao đất tại hợp phần 2 nhưng không được bồi thường theo đúng khung chính sách tái định cư của dự án và kế hoạch hành động tái định cư của tiểu dự án.
Theo bà Carolyn Turk, hợp phần 2 vẫn là một phần của tiểu dự án CCSEP Nha Trang nên việc thu hồi đất và tái định cư vẫn bắt buộc đảm bảo tuân thủ đúng các chính sách của World Bank đã nêu và phải được World Bank thống nhất trước bằng văn bản.
Đồng thời, các phương án bồi thường cho 50 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng không được bồi thường đúng mức nêu trên phải được điều chỉnh, khắc phục đúng các quy định World Bank đã nêu. Tất cả 50 hộ dân đó "đồng thời phải được trả thêm khoản bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung cho họ".
Còn đối với 10 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tiểu dự án tại hợp phần 2 nhưng chưa chịu bàn giao đất, bà Carolyn Turk cũng "muốn nhấn mạnh" để tỉnh quan tâm và thực hiện.
Đó là "việc bàn giao đất cho tiểu dự án CCSEP Nha Trang chỉ có thể được tiến hành khi các hộ này đã nhận được bồi thường theo phương án bồi thường được điều chỉnh, cập nhật đảm bảo tuân thủ đúng khung chính sách tái định cư và kế hoạch hành động tái định cư" mà World Bank đã ký kết theo các hiệp định tài trợ vốn và cho vay kể trên.
Tiểu dự án CCSEP Nha Trang có tổng vốn đầu tư khoảng 72 triệu USD (tương đương 1.746 tỉ đồng), do World Bank tài trợ, theo hai hiệp định với Chính phủ Việt Nam về tài trợ và cho vay vốn.
Các sở, ngành ở tỉnh Khánh Hòa đề nghị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí sử dụng tài nguyên, đất đai.