"Ở Lộc Ninh, chúng tôi đã trao trả nhiều tù binh là phi công Mỹ và binh sĩ Sài Gòn, và chúng tôi cũng đón nhận rất nhiều anh em đồng đội trở về. Dù trong hoàn cảnh nào, anh em vẫn ngẩng cao đầu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ..." - hồi ức của bà Nguyễn Thị Ráo, tức Ba Thi, nhắc nhớ thời gian bà phụ trách ban tiếp đón trao trả tù binh ở phi trường Lộc Ninh sau Hiệp định Paris. Trường hợp trao trả chị Võ Thị Thắng tại đây cũng rất đặc biệt và đầy những chuyện bất ngờ.
Cuộc đấu tranh vì cái tên Võ Thị Thắng
Hồi ức của bà Ba Thi ghi lại: "Chuyến trao trả tù binh cuối cùng ngày 7-3-1974 ở Lộc Ninh gồm những tù nhân từ Côn Đảo về có 24 nam, 29 nữ. Anh chị em ở tạm tại nhà giam Hố Bò ba ngày. Đồng chí thiếu tướng Ba Lan (thiếu tướng Rudolf Dzipanow - PV) trong Ủy ban Quốc tế giám sát thực thi Hiệp định Paris cho biết danh sách trao trả đợt này có chị Võ Thị Thắng...
Ngày 6-3, chính quyền Sài Gòn định đưa chị Thắng trở lại Côn Đảo. Nhưng đồng chí sĩ quan Ba Lan gặp Ban liên hợp quân sự bốn bên ở sân bay Tân Sơn Nhất, đòi phải thi hành việc trao trả đúng theo danh sách quy định đã thông qua ủy ban quốc tế và Ban liên hợp quân sự bốn bên...".
Bà Ba Thi kể thêm đã có nhiều sự đấu tranh ở các đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) và các phái đoàn giám sát quốc tế để phía Việt Nam Cộng hòa trao trả chị Võ Thị Thắng. Nữ tù đặc biệt này bị bắt ở Sài Gòn khi thực hiện bất thành một nhiệm vụ biệt động và bị kết án 20 năm tù được nhiều báo chí đăng tải với nụ cười thản nhiên ngay tại phiên tòa.
Chị đã phải trải qua nhiều nhà tù trước khi phải ra Côn Đảo. Trong các danh sách yêu cầu trao đổi tù binh kể từ 12-2-1973 từ phía Chính phủ CMLTCHMNVN luôn có tên chị Võ Thị Thắng nhưng đã bị chính quyền Sài Gòn lần lữa mãi đến đợt cuối cùng tháng 3-1974 và lại tiếp tục có những diễn biến bất ngờ tưởng chừng như chị bị bắt trở lại.
Đại tá Nguyễn Văn Khả (tức Vũ Nam Bình, phó trưởng tiểu ban trao trả của Chính phủ CMLTCHMNVN) kể lại trong cuốn Trại Davis 823 ngày đêm: "Bộ phận trao trả nắm danh sách thấy có tên chị Võ Thị Thắng - mọi người vui mừng, đem theo cả tờ báo có in hình của chị trước tòa án Sài Gòn để đối chiếu xem có trả đúng người hay không.
Khi tiến hành bàn giao ở phi trường Lộc Ninh, lúc gọi đến người thứ 3 là chị Võ Thị Thắng thì đột nhiên viên trung tá Sài Gòn Nguyễn Thế Thứ chạy tới ra lệnh cho binh sĩ phía họ dừng lại, không trả nữa và gọi trực thăng đưa tù chính trị trở lại Biên Hòa.
Tổ trao trả của ta dứt khoát không cho đưa tù chính trị về Biên Hòa mà phải trao trả số đã đưa lên Lộc Ninh - Đây là quyết định đã được trưởng hai bên phái đoàn liên hợp quân sự nhất trí nên không thể có ai thay đổi được. Viên trung tá Nguyễn Thế Thứ nói rằng khi chiếc trực thăng chở tù chính trị lên đây trở về thì giữa đường bị bắn, một trung sĩ của phi hành đoàn bị chết nên họ không trao trả nữa.
Chúng ta kiên quyết đấu tranh, mời tổ giám sát của ủy ban quốc tế đến chứng kiến, chúng ta khẳng định việc trao trả ở đây không có lý do gì hoãn được và cũng không thể bắt tù nhân đi đâu được. Lệnh của chỉ huy các vị nói không trao trả nữa là không có giá trị với cuộc trao trả này. Không thể đưa việc xảy ra ở chỗ khác để gán vào việc ở đây, và cũng không ai rõ là việc đó có hay không và xảy như thế nào...".
Khát vọng hòa bình
Cuối cùng, chị Võ Thị Thắng đã được trao trả trong chiều muộn cùng với tất cả tù binh trong đợt trao trả cuối cùng ở phi trường Lộc Ninh. Bộ ảnh chụp quang cảnh chiều lịch sử đó của Câu lạc bộ truyền thống Ban liên hợp quân sự - trại Davis vẫn còn đầy đủ hình ảnh diễn biến chị Võ Thị Thắng được trao trả từ lúc bắt đầu còn phải đứng giữa những người lính Việt Nam Cộng hòa đến khi bước ra có các sĩ quan giám sát của phái đoàn Hungary, Ba Lan và Chính phủ CMLTCHMNVN đón tiếp, đứng xung quanh như làm thành vòng tròn che chở.
Trong hình, chị Thắng cười thật tươi và nhiều người cũng nở nụ cười thân mến lại với chị, trong đó có cả các giám sát viên quốc tế. Xem lại loạt ảnh nhiều tấm chụp chị Võ Thị Thắng, có thể hình dung đây là trường hợp trao trả rất đặc biệt của đợt chiều 7-3-1974 ở Lộc Ninh.
Các phóng viên ảnh đã chụp liên tục từ đầu đến cuối, từ khi chị còn đứng phía những người lính Việt Nam Cộng hòa đến khi chị đã bước đến vòng tay đồng đội đang chào đón. Tấm nào chị cũng cười, đặc biệt là trong đó có tấm chị đang phụ một bạn tù dìu một nữ tù yếu hơn trong đợt trao trả này. Phía sau bức ảnh có một người lính quân cảnh Sài Gòn cao lớn đứng lặng lẽ nhìn theo.
Là một cán bộ trong ban tiếp đón có mặt từ đầu đến cuối trong buổi trao trả này, chính tay bà Ba Thi đã chọn những quày dừa tươi ngon nhất để đãi đồng đội vừa từ các nhà tù trở về. Từ góc nhìn của mình, bà Ba Thi đã kể lại chuyến bay chở chị Võ Thị Thắng và các tù nhân Côn Đảo là chuyến hạ cánh muộn nhất trong chiều 7-3-1974.
Đã có sự đấu khẩu gay gắt giữa đại diện tiểu ban trao trả của Chính phủ CMLTCHMNVN và các sĩ quan Việt Nam Cộng hòa có mặt ở phi trường Lộc Ninh hôm ấy. Cuối cùng, viên thiếu tá quân đội Sài Gòn đã nói ý rằng: "Các ông cậy quyền lãnh thổ của các ông ở đây, tù nhân của các ông, đông đảo cán binh của các ông làm áp lực nên buộc chúng tôi phải trao trả"...
Chiều ấy cũng có mặt rất nhiều nhà báo các phía. Một nhà báo đã giơ cao bức ảnh chị Võ Thị Thắng cười hiên ngang hôm ở phiên tòa Sài Gòn năm 1968 và nói rằng hôm nay chị vẫn nở nụ cười khí phách y như thế. Còn bà Ba Thi tâm sự rằng mình và nhiều đồng đội có mặt trong ngày lịch sử ấy nhìn người nữ tù trẻ trung nở nụ cười giữa chiều Lộc Ninh vẫn rền tiếng bom đạn vọng tới mà dự cảm ngày hòa bình không còn xa nữa. Và dự cảm ấy đã chính xác.
Chắc chắn không ai khác ngoài những người đã từng trong lửa đạn chiến tranh, từng chịu đau thương mất mát và lao tù thấu cảm được khát vọng hòa bình.
Theo Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973, Ban liên hợp quân sự bốn bên được thành lập tại trại Davis (phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn) để đảm bảo việc thực thi các điều khoản của hiệp định, trong đó có chương trình trao trả tù binh. Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do thiếu tướng Lê Quang Hòa làm trưởng đoàn, đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLTCHMNVN do trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn (người kế nhiệm là thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn), đoàn Việt Nam Cộng hòa có trưởng đoàn là trung tướng Ngô Du (sau thay bằng trung tướng Dư Quốc Đống), trưởng đoàn Mỹ là thiếu tướng Gilbert H. Woodward.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng rời trại Davis về Hà Nội. Ban liên hợp quân sự còn lại hai đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN và đoàn Việt Nam Cộng hòa. Tại miền Nam Việt Nam, đợt trao trả tù binh đầu tiên được thực hiện vào ngày 12-2-1973 tại phi trường Lộc Ninh, đợt cuối cùng vào ngày 7-3-1974. Ngoài Lộc Ninh, nơi trao trả còn thực hiện ở nhiều địa phương khác như Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Định, Kon Tum...
Lúc 9h30 sáng 30-4-1975, lá cờ cách mạng đã được treo lên trại Davis trước khi cờ được cắm ở Dinh Độc Lập.
Đi ngang qua những người mặc quân phục, nữ tù nổi tiếng Võ Thị Thắng đã nở nụ cười tươi. Và các sĩ quan giám sát quốc tế cũng nở nụ cười thật tươi lại với chị.