Ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra của Đại hội XIII có nhiều thách thức. Do đó, yêu cầu hàng đầu là cần đẩy mạnh các nhiệm vụ để bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kích hoạt tích cực thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán...
Trong đó, trọng tâm là cần có giải pháp góp phần đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo sự ổn định, cân bằng, các kích hoạt tích cực trên các thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục tạo nền tảng cho giai đoạn bứt phá thông qua đẩy mạnh việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, hướng dòng vốn vào các công trình hạ tầng lớn như giao thông, chương trình mục tiêu quốc gia.
Giải pháp thứ hai, theo ông Thắng, đó là việc bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Đặt trong bối cảnh dịch COVID-19, tác động của kinh tế thế giới, yêu cầu đặt ra là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.
Ngoài ra là yêu cầu hoàn thiện thể chế, phát triển bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần tiếp tục có những đột phá thật sự để tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực đầu tư như: phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực, cơ chế hợp tác công - tư, sớm thông qua luật đất đai sửa đổi…
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Quốc Toản - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho rằng cần củng cố ba trụ cột cơ bản gồm khoa học công nghệ, thể chế về đầu tư và nguồn nhân lực.
Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế để phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là nguồn lực, động lực then chốt. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế tài chính, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền...
Xử lý dứt điểm các dự án đầu tư đang bị treo và chậm tiến độ
Đặc biệt, ông Toản cho rằng cần kiên quyết giải quyết dứt điểm dự án đầu tư đang bị treo và chậm tiến độ tồn tại hàng chục năm nay. Dẫn chứng từ đoàn giám sát của Quốc hội, ông nói nếu như năm 2016 số dự án chậm tiến độ là 1.448 thì năm 2021 tăng lên gần 2.000 dự án. Chưa kể là các dự án treo, vướng mắc do pháp lý, quy hoạch...
Các dự án đầu tư bị treo, chậm tiến độ đang "chôn" hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước, doanh nghiệp và vốn ngân hàng, thị trường chứng khoán... gây thiệt hại về kinh tế, hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến kinh tế, đời sống xã hội. Vì vậy, cần điều tra, làm rõ nguyên nhân các dự án này, hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách xử lý dứt điểm các dự án treo này.
Cùng đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ quy hoạch, khung pháp lý, thủ tục hành chính. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư xã hội; xây dựng thị trường tài chính quốc gia phát triển bền vững.
Đồng thời, cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách phát triển con người, nhân lực chất lượng cao, không chỉ người lao động, công nhân mà các lãnh đạo cao nhất, các cấp các ngành. "Con người, thể chế và công nghệ là cỗ xe tam mã cần thúc đẩy cho phát triển" - ông Toản nói.
Tư duy mới về vùng kinh tế
Điểm nổi bật của nhiệm kỳ XIII là việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Đây là nhân tố quan trọng, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, mang tư duy đổi mới, song ông Thắng cho rằng cần làm rõ hơn các biện pháp nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động cho các hội đồng vùng, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, khắc phục tư duy cục bộ, thiếu phối hợp trong triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng một quy định nhưng mỗi nơi, mỗi cơ quan hiểu một cách khác nhau đang gây ra những vướng mắc, bất cập trong thi hành chính sách, tạo nên những rào cản khiến việc triển khai nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.