Sáng 25/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", xem xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo.
Sau phần thủ tục, cựu cán bộ công an Hoàng Văn Hưng đứng trước bục khai báo trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX).
Hưng khai, sau phiên tòa sơ thẩm, đến ngày 7/8, bị cáo có đơn kháng cáo lại toàn bộ bản án cấp sơ thẩm. Song sau thời gian tạm giam, bị cáo có thời gian suy nghĩ về việc làm của mình nên đến ngày 28/11, bị cáo có đơn kháng cáo khác.
Trong đơn kháng cáo này, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, xin HĐXX cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên tòa sáng nay, Hoàng Văn Hưng giữ nguyên các nội dung như đơn kháng cáo đã gửi ngày 28/11.
Đồng thời, Hưng xin HĐXX cấp phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát xem xét, đánh giá toàn bộ nội dung vụ án một cách thấu đáo, giàu lòng nhân ái để bị cáo có thể sớm trở về với gia đình, xã hội.
Sau phần khai báo của Hoàng Văn Hưng, HĐXX xét xử cho biết, đây là tình tiết giảm nhẹ mới đối với bị cáo, sẽ được HĐXX xem xét.
HĐXX cho biết thêm, luật sư bào chữa cho Hoàng Văn Hưng cũng có đơn xin cho thân chủ của mình được xét xử ở phòng riêng vì lý do sức khỏe, đang phải điều trị rối loạn tiền đình tại bệnh viện.
Sau đó, Hưng trình bày trong thời gian bị tạm giam, bị cáo mắc bệnh rối loạn tiền đình nặng. Chính vì thế, bị cáo xin HĐXX cho xử vắng mặt tại các phần còn lại của phiên tòa và để luật sư bào chữa hộ cho các phần tiếp theo.
Hưng trình bày, bản thân từng là đảng viên, công an, nên bất kể vì lý do, nguyên nhân ra sao, đến nay bị cáo đã ý thức được trách nhiệm của bản thân khi thực hiện hành vi phạm tội.
Chính vì vậy bị cáo chấp nhận toàn bộ cáo buộc của tòa án sơ thẩm, nhờ gia đình nộp lại toàn bộ số tiền mà cáo buộc cấp sơ thẩm đã yêu cầu để bổ sung công quỹ nhà nước là gần 19 tỷ đồng.
Sau phần trình bày của Hoàng Văn Hưng, HĐXX thông báo sẽ xem xét yêu cầu xét xử vắng mặt của bị cáo này. Sau đó, bị cáo được cảnh sát dẫn giải đến phòng cách ly.
Trước đó, từ ngày 11 đến 28/7, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm đối với 54 bị cáo về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Bản án ngày 28/7 của TAND TP Hà Nội tuyên 4 án tù chung thân, 10 án tù treo và 30 bị cáo nhận từ 18 tháng đến 16 năm tù giam.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2020, sau khi Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước, Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đề xuất kế hoạch tổ chức chuyến bay combo.
Quy trình cấp phép chuyến bay, doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ đến Cục Lãnh sự để cơ quan này lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ, ngành rồi trình Chính phủ duyệt.
Quá trình cấp phép các chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, các bị cáo thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương đã cấu kết với một số đối tượng khác để nhũng nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền.
Trong đó, 25 bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao đã nhận hối lộ tổng số tiền gần 165 tỷ đồng, gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, 53/54 bị cáo cơ bản thừa nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng. Riêng bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra, Bộ Công an nói mình bị oan.