Nhận định trên được Cục trưởng Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng nêu tại cuộc họp tham vấn ý kiến các chuyên gia về phát triển điện khí, gió ngoài khơi, ngày 25/12.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các nguồn điện đến 2030 là hơn 150.000 MW, gần gấp đôi hiện nay (khoảng 80.000 MW). Nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí hóa lỏng tự nhiên (LNG); còn điện gió ngoài khơi là 6.000 MW.
Mục tiêu đến 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí 7 năm tới.
"Đây là thách thức không hề nhỏ để đưa các dự án điện khí, gió vào vận hành trước năm 2030", Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.
Với dự án điện gió ngoài khơi, hiện một số chủ đầu tư được cấp phép khảo sát biển, đo gió và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi.
Thách thức trong phát triển điện khí LNG, điện gió ngoài khơi hiện nay được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra là thiếu cơ chế pháp lý, hạ tầng. Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho biết, các dự án điện khí LNG hiện khó xác định được khả năng thu hồi, thu xếp vốn hay lượng khí cần nhập khẩu. Lý do là chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng, cơ chế chuyển ngang giá từ hợp đồng mua bán khí sang mua bán điện.
Tương tự, với dự án điện gió ngoài khơi, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cho hay, do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên khi triển khai có thể tiến hành song song một số hoạt động như khảo sát đáy biển. Điều này PVN hoàn toàn làm được, nhưng thiếu cơ chế. "Chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định các chính sách, quy hoạch để thử nghiệm khảo sát dự án điện gió ngoài khơi", Tổng giám đốc PVN cho biết.
Ngoài ra, hạ tầng nhập khẩu LNG còn thiếu cũng ảnh hưởng tới mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII. Theo đại diện PV Gas, việc chưa xem xét kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển.
"Mới có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn thành. Các kho cảng khác đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc", Tổng giám đốc PV Gas nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cập tới nút thắt về giá. Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nói cần làm rõ cơ chế mua bán điện. "Nhà nước đã can thiệp vào giá, phải có cơ chế để đảm bảo việc mua bán theo thị trường. Khi đó nhà đầu tư mới yên tâm bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư nhà máy điện khí, gió", ông Thịnh nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đề nghị sửa Luật Điện lực để giá điện tính đúng tính đủ. Theo ông, hai vấn đề sẽ phát sinh nếu cơ chế mua bán điện vẫn giữ như hiện nay, là EVN thua lỗ, phá sản, hoặc Nhà nước phải cấp bù phần giá chênh lệch giữa giá thành sản xuất - bán điện tới người tiêu dùng.
"Nút thắt tài chính, cụ thể là giá, phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị của cơ quan quản lý", ông Thỏa nhìn nhận.
Trước việc nhiều dự án LNG đã triển khai, chuẩn bị đầu tư vướng về quy hoạch, thủ tục, tuần trước Bộ Công Thương có văn bản đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để các nhà đầu tư triển khai dự án.
Tuy nhiên, để các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi kịp vận hành theo Quy hoạch điện VIII, theo các chuyên gia, những vướng mắc cơ chế đều liên quan tới các luật, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, và các văn bản hướng dẫn, cần cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, tháo gỡ.
Họ cũng đề cập việc cần có cơ chế đặc thù phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi. Đề xuất này từng được các doanh nghiệp nêu tại cuộc họp hồi giữa tháng này.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần phải có nghị quyết triệt để của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung pháp lý.
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng quan điểm, có thể báo cáo Quốc hội để có cơ chế thực hiện ngay song song việc hoàn thiện, sửa luật. Tuy vậy, ông lưu ý Bộ Công Thương cần lập nhóm chuyên gia rà soát, đề xuất sửa đổi các chính sách đồng bộ, bởi quan điểm của Ủy ban Kinh tế không xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ.
Phương Dung