Trong phần xét hỏi phiên tòa phúc thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" chiều 25/12, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên trình bày sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục nốt hơn 400 triệu đồng và nộp 100 triệu đồng hình phạt bổ sung.
Trước tòa, bị cáo Kiên đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: Chủ động khai báo, ăn năn hối lỗi, thành khẩn; tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, được nhiều thư cảm ơn của các tổ chức nhân đạo...
Cựu thư ký cũng trình bày rằng vợ bị cáo có nhiều bằng khen, là chiến sĩ thi đua.
Ông Kiên khai, sau phiên tòa sơ thẩm, ông vẫn làm việc với cơ quan điều tra để khai báo thêm, làm rõ những vi phạm liên quan đến số tiền 15 tỷ đồng bị cáo nhận khi cấp phép bay cho khách lẻ.
Nghẹn ngào tại bục khai báo, cựu thư ký thứ trưởng xin được nhận một mức án tù có thời hạn để được trở về làm lại cuộc đời.
"Kính xin HĐXX, lãnh đạo Đảng và nhân dân tha tội cho bị cáo, bị cáo bị án chung thân, không biết bố mẹ bị cáo còn chờ được bị cáo trở về không'', bị cáo trình bày, đồng thời xin giải tỏa kê biên căn hộ ở Royal City và mảnh đất mua chung với người khác ở Mũi Né (Phan Thiết).
Theo hồ sơ vụ án, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay nhưng ông Kiên lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả về số lần và số tiền trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cựu thư ký đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền 50-200 triệu đồng/chuyến bay; từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo; 7-15 triệu đồng/khách lẻ.
Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã 253 lần nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ, tổng hơn 42 tỷ đồng.
Sau khi vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố, Kiên đã trả lại cho phía doanh nghiệp 12 tỷ đồng.
Số tiền còn lại bị cáo sử dụng 20 tỷ đồng để mua đất ở nhiều nơi như Mũi Né (Bình Thuận), huyện Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội); ngoài ra cho vay hơn 10 tỷ đồng.
Tại tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cần tuyên phạt mức án tử hình là đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên xét thấy trong quá trình điều tra vụ án, truy tố và tại tòa, bị cáo thay đổi lời khai, thành khẩn khai báo, giai đoạn xét xử bị cáo đã khắc phục trên 42 tỷ đồng, gia đình có bố đẻ có công với cách mạng.
Trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều đóng góp, được tặng thưởng nhiều giấy khen. Vì vậy, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên mức án tù chung thân.
Tại phiên tòa chiều nay, HĐXX đặt nhiều câu hỏi đối với cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan về mục đích sử dụng số tiền nhận hối lộ 25 tỷ đồng.
Trước tòa, bà Lan thừa nhận, khi các doanh nghiệp đến gặp và đưa tiền là sai phạm và điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và Nhà nước, nhân dân.
Nữ bị cáo thừa nhận đã nhận số tiền hơn 25 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19, song bà Lan không thể nhớ rõ mình sử dụng số tiền trên vào mục đích gì.
Sau đó, HĐXX liên tục nhắc nhở bà Lan số tiền này là rất lớn nhưng đến nay bị cáo vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp khắc phục.
Trả lời, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự trình bày trong tài khoản ngân hàng bị phong tỏa có số trái phiếu, cổ phiếu được mua từ giai đoạn 2021-2022. Đồng thời, bị cáo khai hiện gia đình không còn tiền để nộp khắc phục hậu quả vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép các chuyến bay giải cứu, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của đại diện 8 doanh nghiệp. Nữ bị cáo mới chỉ nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Tại bản án sơ thẩm, cựu Cục trưởng Lãnh sự bị tuyên tù chung thân.