Chiều 25/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục phần xét hỏi nhóm bị cáo liên quan đến tội Đưa hối lộ và có kháng cáo.
Tại tòa, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thừa nhận hành vi phạm tội, trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ, mong Hội đồng xét xử (HĐXX) khoan hồng.
Ông Dũng khai, bản án sơ thẩm chỉ nêu tóm tắt về việc các doanh nghiệp đến gặp bị cáo, đưa tiền và bị cáo nhận; nếu chỉ nhìn như vậy chưa phản ánh khách quan, đầy đủ thực tế cũng như tính chất vi phạm.
Theo ông Dũng, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tổ chức các chuyến bay giải cứu, bị cáo không làm gì sai phạm chính sách của Đảng, Nhà nước khi tiếp xúc với doanh nghiệp, mục đích của bị cáo là lắng nghe và tháo gỡ khó khăn nếu có, không hề có ý định cá nhân hay vòi vĩnh.
Do nhận thức được sai phạm, bị cáo đã tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.
Cựu Thứ trưởng trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ như bản thân từng có 30 năm công tác, có nhiều đóng góp, bị cáo luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc, trong thời điểm dịch Covid-19 cố gắng đưa 200.000 công dân về nước an toàn, vận động được 150 triệu liều vắc xin.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, bản thân có nhiều phần thưởng, bố là lão thành cách mạng, đã có tuổi, sức khỏe giảm sút mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
Từ những điều trên, bị cáo tha thiết mong HĐXX đánh giá toàn diện vụ án, cho hưởng mức án khoan hồng để có thể sớm trở về với gia đình, xã hội.
Được trình bày trước tòa, vợ ông Tô Anh Dũng cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Tô Anh Dũng bị tuyên phạt 16 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Tại phiên tòa chiều nay, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trình bày các tình tiết xin giảm nhẹ.
Nữ bị cáo cho biết, bản thân và chồng đang điều trị bệnh hiểm nghèo, diễn biến bệnh tình ngày một xấu và gia đình có công với cách mạng.
Bà Hằng đã nộp hồ sơ bệnh án cho tòa. Đồng thời, bà này cũng xin được xét xử vắng mặt.
Trước đề nghị này của bị cáo, HĐXX chấp thuận cho bị cáo vắng mặt trong buổi chiều nay, các phiên xử sau nếu cần thiết sẽ triệu tập.
Trình bày tại phiên phúc thẩm, bà Hằng xin thay đổi một phần nội dung kháng cáo, không còn yêu cầu tòa án buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng phải trả lại số tiền 18,8 tỷ đồng liên quan hành vi lừa chạy án.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky cũng giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ông Sơn trình bày thêm về các tình tiết giảm nhẹ như bản thân có thành tích trong lao động, sản xuất, có đóng góp cho xã hội, gia đình có công với cách mạng…
Giống như bà Hằng, ông Sơn thay đổi một phần nội dung kháng cáo, không còn yêu cầu buộc Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền hơn 18,8 tỷ đồng lừa chạy án.
Bản án sơ thẩm thể hiện, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước.
Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các bộ trong tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.
Song quá trình tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài do dịch Covid-19 về nước, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều bộ ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỷ đồng...