Dù đây là câu chuyện rất cũ, rất phổ biến và cũng đã được nói đến rất nhiều nhưng xem ra liêm chính khoa học ở Việt Nam vẫn chỉ như một mẩu nhỏ của tảng băng chìm và dự kiến sẽ vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong thời gian tới.
Không chỉ ở Việt Nam, cộng đồng học thuật thế giới đổ dồn mối quan tâm vào những đề nghị hiệu trưởng Đại học Havard từ chức.
Lý do: bà này nhận 39 cáo buộc đạo văn trong bảy công trình nghiên cứu, trong đó có luận án tiến sĩ công bố 26 năm về trước.
Vào tháng 7 năm nay, cũng có hai hiệu trưởng của hai đại học danh tiếng từ chức vì liên quan liêm chính học thuật: hiệu trưởng Đại học Stanford nổi tiếng ở Mỹ và hiệu trưởng Đại học Azu danh tiếng ở Nhật Bản.
Trước đó nữa, nhiều hiệu trưởng của các đại học danh giá hoặc nhiều chính trị gia cũng phải từ nhiệm vì lý do tương tự.
Điểm qua như vậy để thấy cộng đồng học thuật quốc tế đề cao và luôn tìm cách bảo vệ các chuẩn mực về chính học thuật.
Mỗi khi có sự việc vi phạm, cộng đồng sẽ kiên quyết lên tiếng. Nền khoa học càng phát triển, các tiếng nói bảo vệ liêm chính học thuật càng rõ ràng và mạnh mẽ.
Vậy tại sao liêm chính khoa học lại được đề cao và được cộng đồng khoa học ra sức bảo vệ như vậy?
Để hiểu được tầm quan trọng của liêm chính khoa học, chúng ta có thể hình dung nghiên cứu khoa học giống như một trò chơi hạn định mà ở đó có rất nhiều nhà khoa học tham gia.
Giống như mọi trò chơi hạn định khác, mọi người đều phải tuân thủ luật chơi chung, cả tường minh lẫn những ngầm định, khi tham gia các "trò chơi" nghiên cứu khoa học.
Tuân thủ luật chơi là yêu cầu bắt buộc, là thực hành chung của tất cả các trò chơi hạn định. Từ các trò chơi của trẻ con đến các cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao giữa các quốc gia cũng đều vậy cả.
Còn trong nghiên cứu khoa học thì đó là không được đạo văn, phải ghi rõ nguồn khi trích dẫn, phải cảm ơn cơ quan tài trợ nghiên cứu...
Người nào không tuân thủ luật chơi thì sẽ bị trừng phạt. Người nào cố tình không tuân thủ luật chơi vì mục đích trục lợi cá nhân thì bị gọi là ăn gian. Trong một trò chơi, ăn gian là hành vi không ai chấp nhận. Vì khi có người ăn gian, nếu không bị xử lý, trò chơi sẽ sụp đổ và nhanh chóng kết thúc.
Với các trò chơi thông thường, kẻ ăn gian sẽ chỉ làm gián đoạn hoặc sụp đổ trò chơi. Nhưng với khoa học, do vai trò đặc biệt của nó với xã hội, kẻ ăn gian sẽ gây hậu quả lâu dài, có sức tàn phá nghiêm trọng đến sự lành mạnh và phát triển bền vững của xã hội.
Chẳng hạn khi có nhiều nhà khoa học ăn gian trong "trò chơi" nghiên cứu, và qua đó tạo ra các công trình giả/rác, đồng thời biến việc ăn gian trở thành một thực hành phổ biến thì sẽ dẫn đến tình trạng khoa học dỏm đuổi khoa học thật, y như hiện tượng hàng dỏm đuổi hàng thật ở trong thị trường.
Vì lẽ đó, tôi cho rằng để có thể xây dựng một nền khoa học lành mạnh, điều quan trọng nhất cần làm không phải là đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân lực mà phải là ngăn chặn việc ăn gian.
Điều này được thực hiện qua việc xây dựng luật chơi và tổ chức giám sát, xử lý các trường hợp ăn gian để "trò chơi" nghiên cứu khoa học không sụp đổ.
Nói cách khác: để có được một nền khoa học lành mạnh, đầy sức sống và có đóng góp thực cho xã hội thì việc quan trọng nhất là bảo vệ liêm chính học thuật.
Nếu không, chúng ta sẽ chỉ có một nền khoa học dỏm mà ở đó những người ăn gian sẽ thắng thế và đẩy những nhà khoa học chân chính ra khỏi nền khoa học.
Do đó nếu chỉ được chọn một điều gì đó để vực dậy nền khoa học, tôi cho rằng đó phải là liêm chính học thuật.
Mở rộng ra toàn xã hội, tôi cũng cho rằng nếu chỉ được chọn một điều để khôi phục đạo đức, dựng lại xã hội, tạo ra sự ngay ngắn và hiệu quả trong mọi hoạt động thì đó cũng chính là sự liêm chính của mỗi cá nhân, đặc biệt là ở những người đang đảm nhiệm các trọng trách quản lý và điều hành xã hội.
Nếu không, xã hội sẽ sụp đổ vì có quá nhiều kẻ ăn gian!
Nhiều ý kiến thẳng thắn về liêm chính khoa học lần đầu tiên được nêu và bàn luận tại hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 19-12.