Sáng 26.12, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông đường dây tư vấn 1900545559 (hoạt động 24/7) về bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM, cho biết thời gian qua đường dây tư vấn của trung tâm đã được nhiều người biết đến. Thống kê cho thấy năm 2021, đơn vị tiếp nhận 162 cuộc gọi, con số này tăng lên 248 cuộc năm 2022 và 282 cuộc vào năm 2023, nội dung về tư vấn, can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em.
Theo bà Dương, hiện nay TP.HCM sẽ tiếp nhận, can thiệp và xử lý các trường hợp trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp thông qua các hình thức gồm:
- Tiếp nhận trực tiếp tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM hoặc thông qua thông tin từ đường dây tư vấn 1900545559.
- Tiếp nhận từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
- Thông tin từ Phòng LĐ-TB-XH, cán bộ trẻ em, các quận huyện, người dân.
Sau khi tiếp nhận thông tin báo, căn cứ vào tính chất cụ thể của các vụ việc mà cán bộ, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM sẽ trực tiếp xử lý hoặc kết nối chuyển gửi cho các chuyên gia trong hội đồng tư vấn chuyên môn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để hỗ trợ.
Bà Dương kỳ vọng đường dây tư vấn 1900545559 sẽ được nhiều người biết đến, nhất là người dân sống ở các quận, huyện ngoại thành.
Thảo luận tại sự kiện, nhiều ý kiến cũng nêu ra một số khó khăn trong công tác truyền thông đường dây nóng 1900545559. Cụ thể là số điện thoại dài, khó nhớ, có tính cước phí nên đa số gọi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Đối với các cuộc gọi khẩn cấp như trẻ bị bạo hành, xâm hại cần phải xử lý nhanh và kịp thời. Tuy nhiên việc các ngành, cơ sở phối hợp còn nhiều bất cập, nhiều nơi còn chậm, thiếu chủ động.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng trước mắt cần phải tăng cường tập huấn, tuyên truyền phổ biến đường dây 1900545559 cho các cán bộ, các cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở phường, xã. Đồng thời hướng đến việc thay đổi số điện thoại này ngắn gọn, dễ nhớ hơn và miễn phí.
Hơn 3.600 cuộc gọi từ TP.HCM lên Tổng đài 111 nhờ tư vấn, can thiệp
Tham luận tại hội thảo bằng kết nối trực tuyến, bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111), cho biết sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 6 triệu cuộc gọi đến, trong đó tư vấn gần 550.000 ca và hỗ trợ, can thiệp cho 9.557 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.
Riêng tại TP.HCM, năm 2023, Tổng đài 111 tiếp nhận hơn 3.600 cuộc gọi tư vấn và 300 cuộc gọi cần kết nối, can thiệp. Trong số 300 cuộc gọi này, có tới 152 cuộc báo tin có nội dung về trẻ bị bạo lực, 15 trường hợp về trẻ bị xâm hại tình dục, 85 trường hợp báo tin trẻ bị chăn dắt xin ăn...
Sau khi tiếp nhận thông tin, Tổng đài 111 có trách nhiệm chuyển, cung cấp thông tin cho cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc để xác minh; hỗ trợ thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ, xây dựng kế hoạch và cung cấp dịch vụ; theo dõi, giám sát tiến trình hỗ trợ...