Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện ảnh đang khá "thoải mái" với những nội dung mình đưa ra rạp. Thành công trong quá khứ của phim siêu anh hùng hay những bộ phim ăn theo các series ăn khách đã gần như trở thành "bảo chứng" cho doanh thu phòng vé.
Quả thật, những số liệu thống kê không hề nói dối, ví dụ kinh điển là vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) đã khiến siêu anh hùng trở thành một trong những dòng phim ăn khách nhất lịch sử màn bạc.
Cụ thể, 33 bộ phim hãng này phát hành đã đem về cho "ông lớn" Disney tổng doanh thu phòng vé toàn cầu lên tới 30 tỉ USD (theo số liệu Box Office).
Nhưng có vẻ như năm nay, khán giả đang có xu hướng "nổi loạn". Khiến cho các chuyên gia phân tích thị trường tại Hollywood đứng ngồi không yên.
Năm của những bất ngờ
Bước ngoặt lớn nhất so với quy chuẩn Holywood năm nay phải kể đến thành công từ bộ phim tài liệu hòa nhạc Eras tour của Taylor Swift.
Nữ ca sĩ đã không đi theo quy cách phát hành phim thông thường qua một hãng phim trung gian mà trực tiếp ký kết thỏa thuận phân phối với AMC Entertainment, một hệ thống nhà rạp lớn nhất thế giới.
Bộ phim Eras tour thu về 250 triệu USD toàn cầu (theo số liệu Box Office), với lịch chiếu "không giống ai" (chỉ chiếu từ thứ 5 đến chủ nhật hàng tuần, áp dụng tại cả Việt Nam) đã tái định nghĩa lại phim bom tấn và khiến nhiều nhà phát hành phim nhìn nhận lại giá trị của một bộ phim hòa nhạc.
Năm nay cũng đánh dấu sự thất thế chưa từng thấy của dòng phim siêu anh hùng, những nhân vật như Captain Marvel, Flash, Ant-man, Shazam và Blue Beetle không thể thu hút khán giả bỏ tiền ra rạp.
Ví dụ tiêu biểu của sự thoái trào này là phim Aquaman 2 vừa chỉ ra mắt tuần trước.
Theo Variety, với chi phí sản xuất 215 triệu USD và hàng trăm triệu USD nữa cho marketing và phát hành, phim hiện đang có doanh thu phòng vé "thảm bại" tại Mỹ với chỉ 28 triệu USD sau tuần đầu công chiếu.
Nhà báo Tom Brueggemann - chuyên gia mảng doanh thu phòng vé của tờ IndieWire, phân tích vui rằng thất bại của những bộ phim bom tấn siêu anh hùng là do hệ quả nguyên lý Peter, định nghĩa bởi một nhà giáo dục Canada vào năm 1969.
Cụ thể, bản gốc của nguyên lý này nói rằng việc người có năng lực trong công việc sẽ được thăng chức lên một vị trí đòi hỏi các kỹ năng khác nhau.
Cho đến khi người được thăng chức thiếu những kỹ năng cần thiết cho vai trò mới, họ sẽ không đủ năng lực và sẽ không được thăng chức nữa.
Phiên bản này trong ngành công nghiệp điện ảnh là những bộ phim thành công sẽ tiếp tục được chuyển thành các phần tiếp theo với mức đầu tư ngày càng lớn, cho đến khi tiềm năng của chúng đạt đến cực hạn và thất bại với những khoản lỗ khổng lồ.
Theo The Box Office, bộ phim thành công nhất năm nay về mặt doanh thu là Barbie với 1,44 tỉ đô toàn cầu lại dựa trên một đồ chơi dành cho trẻ em gái, được đạo diễn bởi một nhà làm phim nữ chuyên làm phim về nữ quyền - những yếu tố mà các hãng phim coi là "thuốc độc phòng vé".
Xếp thứ hai sau Barbie là Super Mario Bros, thu về 1,36 tỉ USD. Đây cũng là một thành công gây bất ngờ với Hollywood, khi mà các bộ phim chuyển thể từ trò chơi điện tử chưa bao giờ gặt hái được nhiều thành công.
Hay nổi bật nhất là Oppenheimer, một bộ phim tiểu sử dài ba tiếng đồng hồ về một nhà vật lý, thu về tận 952 triệu USD phòng vé.
Tuy có cái tên Christopher Nolan đứng ra bảo chứng, đây vẫn là một thành công nổi bật đối với một bộ phim tiểu sử với dung lượng lớn, nặng tính hàn lâm.
Phim nghệ thuật bỗng tìm được chỗ đứng
Nói đến hàn lâm, những bộ phim độc lập với ngân sách khiêm tốn, chất lượng cao và hướng đến đối tượng khán giả có mức cảm thụ nghệ thuật nhất định đã có dấu hiệu thành công tại các phòng vé chứ không chỉ đơn thuần chiếu chỉ để "săn giải" như mọi năm.
Các nhà phân tích cho rằng trong kỷ nguyên chiếu phim trực tuyến, những bộ phim hàn lâm nên chiếu trên những nền tảng như Netflix, Apple TV hay Disney+ để giảm chi phí phát hành.
Tuy nhiên, những nhà phát hành phim độc lập đã tìm thấy những thành công nhất định trong năm 2023 với những bộ phim như Past lives, Asteroid city hay Anatomy of a Fall.
Xu hướng đáng mừng này phải cảm ơn những nỗ lực nhiều năm qua của các nhà phát hành phim độc lập như A24, IFC Films, Annapurna Pictures hay Searchlight Pictures đã thường thức hóa điện ảnh nghệ thuật, giúp chúng ngày càng có chỗ đứng trong lòng khán giả.
Thời điểm cuối năm 2023 cũng đánh dấu sự khuấy đảo phòng vé Mỹ của hai cái tên lão làng đến từ Nhật Bản là Godzilla: Minus one và The Boy and the Heron.
Với làn sóng văn hóa Nhật ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới, những bộ phim, anime do Nhật sản xuất hứa hẹn sẽ ngày càng sở hữu nhiều thành công phòng vé.
Nhìn chung, năm nay là một năm sôi động với điện ảnh thế giới sau đại dịch. Comscore, công ty tổng hợp dữ liệu phòng vé, dự đoán vào Chủ nhật rằng doanh thu vé Bắc Mỹ trong năm sẽ đạt khoảng 9 tỉ đô la, tăng 20% so với năm 2022.
Còn doanh thu phòng vé trên toàn thế giới dự kiến sẽ vượt ngưỡng 33 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2022.
Với đà tăng trưởng này, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ sớm khôi phục mức doanh thu trước đại dịch. Cụ thể, doanh thu trước đại dịch từ khu vực Bắc Mỹ thường rơi vào khoảng 11 tỉ USD hàng năm, con số đó trên toàn cầu dễ dàng vượt qua mốc 40 tỉ USD hàng năm.
Tuy chỉ mới cập bến Việt Nam hôm 22-12, Aquaman 2 đã chiếm vị trí dẫn đầu của Kẻ ăn hồn, thậm chí gần đuổi kịp doanh thu gần 2 tuần công chiếu của phim này.