Mô hình thu mua lợn thịt giết mổ ở các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua mối lái là các hộ kinh doanh cá thể, có giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm, nhưng thực tế việc thu thuế lại không dựa trên những con số giao dịch này.
Cảnh báo rủi ro nhưng khó thu thuế…
Như Báo điện tử VTV News đã thông tin về trường hợp Cục Thuế tỉnh Bình Phước đã phát đi cảnh báo rủi ro thuế với 5 hộ kinh doanh địa bàn trên 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có mức giao dịch hàng trăm đến gần nghìn tỷ đồng/năm với một doanh nghiệp nhưng mức thu thuế không sát với thực tế, thậm chí không thu được thuế.
Trong những trường hợp này, điển hình có một hộ kinh doanh cá thể đăng ký thuế tại Chi cục thuế Biên Hòa - Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Chi cục Thuế Biên Hòa - Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Theo cảnh báo thuế được phát đi, hộ này có mức giao dịch mua bán lợn hơi với công ty Nông nghiệp Làng Sen Việt Nam (Tỉnh Bình Phước) với mức giao dịch năm 2021 lên đến 947 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, Đội trưởng Đội kiểm tra nội bộ - Chi cục thuế Biên Hòa Vĩnh Cửu cho biết, sau khi nhận được cảnh báo rủi ro từ Bình Phước, Chi cục đã mời hộ kinh doanh trong diện cảnh báo thuế lên làm việc và qua trao đổi, hộ kinh doanh đã tự nguyện kê khai mức thuế năm 2021 là 214 triệu đồng (bao gồm Thuế môn bài, Thuế TNCN, Thuế GTGT và 30 triệu tiền chậm nộp).
Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, mức thu thuế của các hộ kinh doanh cá thể được phân chia theo 2 trường hợp: Thu khoán theo doanh thu kỳ trước và thu trên hóa đơn. Trường hợp hộ kinh doanh nói trên có xuất hóa đơn, theo quy định, cần được áp dụng thu 1,5% trên hóa đơn.
Tuy nhiên, Chi cục Thuế Biên Hòa - Vĩnh Cửu cho biết, đây là trường hợp cảnh báo lần đầu xảy ra, đơn vị cần xác minh lại đúng lĩnh vực kinh doanh thực tế của hộ này là môi giới mua lợn hay kinh doanh giết mổ rồi mới có thể áp mức thu thuế hợp lý.
Câu chuyện hộ kinh doanh có giao dịch mua lợn lên đến 947 tỷ đồng nêu trên ở Đồng Nai không phải là riêng lẻ, hy hữu. Được biết, trong 5 cảnh báo được phát đi, các cá nhân được mời đến tại các địa phương Xuân Lộc, Long Thành - Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương) cá hộ kinh doanh cá thể có giao dịch từ hàng trăm đến gần nghìn tỷ đồng, có xuất hóa đơn mua bán nhưng thực chất chỉ khai báo hoạt động môi giới, những hộ cá thể này hiện tại cũng chỉ đóng thuế theo hình thức tự nguyện, dù giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Lỗ hổng thất thu thuế từ mô hình mua bán lợn hơi
Theo tìm hiểu của Phóng Viên VTV News mô hình mua bán lợn hơi của các công ty tập đoàn lớn trên toàn khu vực miền Đông Nam bộ đều diễn ra theo hình thức tương tự. Tức các công ty tập đoàn chăn nuôi bán lợn qua hình thức mối lái là các cá nhân, hộ doanh cá thể. Những người này nhận đứng ra làm môi giới hưởng hoa hồng, nhưng thực chất là hoạt động mua qua bán lại nhưng cơ quan thuế lại không nắm bắt được thực tế hoạt động để định mức thuế hợp lý. Từ đây, lỗ hổng thất thu xuất hiện, xuất phát từ việc chưa định nghĩa rõ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, trong khi giao dịch đều là những con số tiền tỷ.
Mỗi công ty chăn nuôi xuất ra hàng nghìn con lợn mỗi ngày, thương lái đứng ra thu mua với giao dịch lên đến nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng tiền thuế không thu đúng giao dịch.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi lợn thừa nhận, mô hình giao dịch mua bán lợn hơi qua các đầu mối cá nhân sẽ để lại nguy cơ thất thu thuế khi mỗi doanh nghiệp bán qua mối lái hàng nghìn con heo mỗi ngày. Thực chất là hoạt động thương mại, mua qua bán lại nhưng các thương lái chỉ kê khai dưới hình thức hộ kinh doanh, tự nguyện theo lĩnh vực môi giới, hưởng hoa hồng.
Nói về nguy cơ rủi ro thất thu khi quản lý thuế của các mô hình hộ kinh doanh nêu trên, Đội trưởng đội kiểm tra nội bộ thuộc Chi cục thuế Biên Hòa - Vĩnh Cửu vẫn chưa thể trả lời được điều này, việc đánh giá thu thuế có đúng - đủ hay chưa, có hay không thất thu thuế theo vị cán bộ phải xác định được lĩnh vực kinh doanh. "Chúng tôi có 2 lần gửi văn bản nhờ Cục thuế Bình Phước hỗ trợ xác nhận lĩnh vực kinh doanh của những trường hợp này để làm căn cứ thu thuế".
Cục Thuế tỉnh Bình Phước cho biết, cơ quan thuế tỉnh Bình Phước không có trách nhiệm hướng dẫn các chi cục thuế ở các địa phương khác, qua rà soát thuế của một công ty trên địa bàn, có phát sinh giao dịch với con số rất lớn, "chúng tôi chỉ có trách nhiệm phát đi cảnh báo rủi ro để các đơn vị nắm bắt xử lý thôi".
Một trong những vấn đề các cơ quan quản lý thuế nhận được cảnh báo rủi ro thừa nhận đó chính là túng túng trong việc quản lý kinh doanh các hộ cá thể nhỏ lẻ trên địa bàn bởi trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh hiện nay mở đăng ký ra nhưng thực tế không hoạt động, hoặc hoạt động tại một địa phương khác dẫn đến khó kiểm tra thực tế.
Điển hình như hộ kinh doanh có giao dịch gần nghìn tỷ nêu trên, đăng ký quản lý thuế tại Biên Hòa - Vĩnh Cửu, ngành nghề kinh doanh giết mổ, nhưng thực tế không hoạt động lĩnh vực này mà hoạt động môi giới mua bán tại nhiều địa phương khác,… Vấn đề này khiến các chi cục thuế không nắm bắt khảo sát được thực tế kinh doanh của họ ở đâu, bao nhiêu,…để làm căn cứ thuế cho kỳ sau. Trong khi theo Thông tư 92, hộ kinh doanh cá thể tự kê khai thuế theo ngành nghề kinh doanh và mức đăng ký thuế khoán tự kê khai theo doanh thu kỳ trước.
Từ những lỗ hổng về việc không nắm bắt thực tế doanh thu của các hộ kinh doanh cá thể, không xác định đúng ngành nghề kinh doanh để thu thuế đúng, hướng dẫn người nộp thuế tự kê khai nộp thuế không đúng thực tế kinh doanh và doanh thu, khó quản lý hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên nhiều địa bàn đã dẫn đến những nguy cơ thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế trên mỗi hộ, để mô hình giao dịch mua bán lợn hơi "núp bóng" môi giới nở rộ, giao dịch nghìn tỷ nhưng khó quản lý thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!