Chi phí từ 1 triệu vọt lên 165 triệu đồng/năm
Lo lắng đầu tiên của doanh nghiệp đó là việc xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu sẽ làm đội chi phí.
Ông Đặng Hoài Phương - giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng - cho biết trước đây chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng/năm.
"Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp", ông Phương nói.
Ông Hoàng Trung Dũng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) - bức xúc vì gần đây cán bộ thuế phụ trách doanh nghiệp đã điện thoại hàng chục cuộc cho kế toán trưởng yêu cầu triển khai ngay việc xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu.
Thậm chí còn nói sẽ đến cây xăng đổ xăng, nếu phát hiện không xuất hóa đơn cho khách hàng lẻ sẽ lập biên bản và phạt doanh nghiệp ngay lập tức. Điều này gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
"Xin hỏi ông Mai Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, rằng là đây là chủ trương mà Tổng cục Thuế quán triệt cho toàn ngành hay chỉ là hành động đơn lẻ của cơ quan thuế địa phương?
Các doanh nghiệp ở những địa phương khác có bị cơ quan thuế "gây áp lực" như vậy không? Ngành thuế luôn nói là bạn đồng hành của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng từ cuối tháng 10 đến nay lại "áp chế" các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do vậy qua tọa đàm này doanh nghiệp rất mong… tìm được lối thoát.
Chính bản thân tôi mới đây đi đến tỉnh vùng xa là Cao Bằng, trên đường đi đã ghé vào đổ xăng và yêu cầu xuất hóa đơn nhưng nhân viên gọi cả cửa hàng trưởng ra mà loay hoay mãi không xuất được hóa đơn vì mạng trục trặc. Ngành thuế và doanh nghiệp nên ngồi lại để tìm ra giải pháp tháo gỡ thay vì bắt buộc", ông Dũng kiến nghị.
Tốn thêm 70 triệu đồng đầu tư cho mỗi trạm xăng
Ông Văn Tấn Phụng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Nai - cho hay sau 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh.
Do vậy, theo ông Phụng, với việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu, các cơ quan chức năng cần có lộ trình thời gian cụ thể để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện.
"Xuất phát điểm của đơn vị xăng dầu Petrolimex khác với các doanh nghiệp tư nhân, nên việc triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi, còn phía doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, hạ tầng chưa tương thích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ và chưa tương thích trong chuyển đổi số.
Ước tính một trạm xăng phải bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư cho việc triển khai hóa đơn điện tử này. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, hóa đơn là do các doanh nghiệp tự đầu tư hay do cơ quan nhà nước cung cấp và trong trường hợp bị trục trặc kết nối thì ai sẽ chịu trách nhiệm?", ông Phụng đặt câu hỏi.
Ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai việc xuất hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu, ông Mai Sơn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - thừa nhận ngành thuế và ngành tài chính nói chung có một số cá nhân thái độ phục vụ chưa tốt, nhưng đây chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, người dân khi gặp trường hợp này có thể kiến nghị đến đường dây nóng chứ không thể đánh đồng tất cả.
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.