Trong số các bị cáo kháng cáo, 4 bị cáo bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân gồm: cựu Trưởng phòng 5 (Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) Hoàng Văn Hưng; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan; Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an), cùng về tội nhận hối lội.
Hai bị cáo bị bác kháng cáo
Đại diện viện kiểm sát đề nghị giảm án cho 2 bị cáo Hưng và Lan, đều xuống còn 20 năm tù. Lý do, bị cáo Hưng đã thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt, khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt 18,8 tỉ đồng; còn bị cáo Lan được đánh giá đã có ý thức cố gắng hết sức khắc phục hậu quả, nhận tiền do doanh nghiệp tự nguyện đưa chứ không vòi vĩnh, người thân có công với đất nước…
Hai bị cáo còn lại là Kiên và Tuấn cùng bị bác kháng cáo. Kiểm sát viên nhận định số tiền những bị cáo này nhận hối lộ là đặc biệt lớn, thậm chí Kiên còn chủ động vòi vĩnh. Vì vậy, dù các bị cáo có thêm một số tình tiết giảm nhẹ nhưng không có cơ sở để chấp nhận giảm án.
Nhiều cựu quan chức thuộc nhóm nhận hối lộ cũng được viện kiểm sát đề nghị giảm án. Trong đó, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, án sơ thẩm 16 năm tù được đề nghị giảm 3 - 4 năm tù; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, án sơ thẩm 9 năm tù được đề nghị giảm 9 - 12 tháng tù; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, án sơ thẩm 6 năm tù được đề nghị giảm 1 năm tù…
Tương tự, nhiều bị cáo là đại diện các doanh nghiệp thuộc nhóm đưa hối lộ cũng được đề nghị giảm án. Điển hình, bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky, án sơ thẩm 10 năm tù và bị cáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, án sơ thẩm 11 năm tù, cùng được đề nghị giảm 12 - 18 tháng tù; một số bị cáo khác được đề nghị giảm 2 - 12 tháng tù.
Đáng chú ý, dù đã rút đơn kháng cáo, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, vẫn được đề nghị giảm từ 5 năm tù xuống còn 4 năm - 4 năm 6 tháng tù về tội môi giới hối lộ, đồng thời trả lại cho gia đình 146 lượng vàng và 210.000 USD bị thu giữ trong giai đoạn điều tra.
Nhận hối lộ rồi lấy tiền đầu tư chứng khoán
Tham gia tranh luận, các bị cáo và luật sư bào chữa trình bày nhiều căn cứ để xin giảm nhẹ hình phạt. Luật sư của Hoàng Văn Hưng cho rằng mức án 20 năm tù vẫn còn quá nghiêm khắc, bởi bị cáo này đến nay đã nhận thức được sai phạm, rất hối hận về hành vi đã gây ra, phạm sai lầm chỉ vì muốn lập công trong quá trình điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu". Luật sư mong tòa phúc thẩm tuyên mức án đủ sức răn đe để bị cáo Hưng có cơ hội hoàn lương.
Bị cáo buộc nhận hối lộ tới 25 tỉ đồng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan phân trần rằng thời điểm nhận tiền chỉ nghĩ rằng các doanh nghiệp cảm ơn vì được tổ chức chuyến bay, phải đến lúc bị bắt mới nhận thức là sai. Số tiền này, bị cáo chuyển phần lớn vào tài khoản mua chứng khoán, trái phiếu, còn lại chi tiêu cá nhân.
Đáng chú ý, trong khi hầu hết các bị cáo nhận hối lộ đã khắc phục phần lớn số tiền hưởng lợi bất chính, thì bị cáo Lan mới chỉ nộp lại hơn 1,2 tỉ đồng. Giải thích việc này, bị cáo khai ban đầu nghĩ rằng có thể dùng các tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả, khi được tòa phân tích thì mới hiểu cần khắc phục nhanh và nhiều nhất để được hưởng khoan hồng. Vì thế, sau ngày xét xử đầu tiên, dù gia đình không còn tài sản nào khác, bị cáo đã thông qua luật sư nhờ bạn bè ủng hộ, giúp được 5 tỉ đồng nộp thêm.
Là một trong số những bị cáo bị bác kháng cáo, Phạm Trung Kiên trình bày bản thân đã mạnh dạn đối diện với sự thật, từ bỏ sự tham lam, thể hiện qua việc vận động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 42,6 tỉ đồng nhận hối lộ.
Bị cáo Kiên trình bày, ngoài số tiền bị cơ quan điều tra chứng minh, bị cáo còn chủ động khai báo về khoản tiền nhận của các đoàn khách lẻ, từ đó giúp vụ án được làm sáng tỏ hơn. Bị cáo bày tỏ nguyện vọng tòa phúc thẩm cho hưởng tình tiết "lập công chuộc tội".
Xem nhanh 20h: Rút kháng cáo, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội vẫn được đề nghị giảm án