Nhiều doanh nghiệp chạy vạy đủ đường để có tiền thưởng Tết cho nhân viên nhằm giữ người lao động, thậm chí phải vay tiền lo thưởng cho nhân viên để giữ đội ngũ ổn định, hy vọng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn.
Áp lực vì nghe doanh nghiệp khác thưởng Tết tiền tỉ
Nhưng không phải công ty nào cũng có quỹ thưởng Tết do tình hình kinh tế khó khăn.
"Là lãnh đạo doanh nghiệp, ai cũng muốn lo thưởng Tết tươm tất cho nhân viên. Nhưng năm nay kinh tế quá khó khăn, không ít người nghe báo chí đưa tin công ty này công ty kia thưởng Tết tiền tỉ mà thấy áp lực", ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Công ty nông sản Meet More - nói với Tuổi Trẻ.
Ông Luận cũng nhắc lại một câu nói của một doanh nhân đang lan truyền trên mạng: "Đừng hỏi sắp đến Tết rồi có thưởng hay không, bây giờ là lúc trả lời câu hỏi chúng ta có tồn tại hay không?", bởi theo ông có thể gây tranh cãi, nhưng lại đúng hoàn cảnh với nhiều doanh nghiệp bây giờ. Khi doanh nghiệp còn "ăn đong" từng ngày, rất khó để thưởng Tết "to" như kỳ vọng của người lao động.
Chủ doanh nghiệp nông sản này cũng cho biết khả năng phục hồi còn khá xa, bởi vậy lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải "nát óc" tìm cách cân đối, cái nào chi, cái nào giảm, mục tiêu ổn định quy mô nhân sự và trả lương đầy đủ là quan trọng nhất.
Trong bối cảnh này, sẽ khó có thể thưởng Tết tưng bừng, đồng thời cần sự chia sẻ từ người lao động trong việc đồng hành cùng lãnh đạo vượt khó, theo ông Luận.
Với các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ, đội ngũ nhân viên từ hàng trăm đến hàng nghìn người đã gây áp lực vô cùng lớn lên ban giám đốc điều hành trong việc lo lương tháng 13, thưởng Tết, đặc biệt trong bối cảnh kết quả kinh doanh "rớt thê thảm" do cuộc chiến giá rẻ kéo dài trong năm 2023.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc hệ thống Minh Tuấn Mobile, cho biết đang nỗ lực hết mình để đảm bảo Tết cho đội ngũ khoảng 300 nhân viên, ít nhất là có lương tháng 13.
"Để làm được điều này, chúng tôi đã cắt giảm các chi phí không cần thiết, giảm các chi phí marketing và áp dụng ưu đãi trực tiếp cho khách hàng để kích cầu mua sắm", ông Tuấn cho biết.
Song song đó, ban lãnh đạo điều hành hệ thống cũng truyền thông nội bộ đến tất cả người lao động về tình hình hiện tại, khó khăn của thị trường chung, cùng nhau tiết kiệm, đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Đồng thời "khuyến khích anh em bán hàng đưa ra các sáng kiến mới, cùng nhau tạo ra những câu chuyện hay để tiếp cận khách hàng, bán hàng tốt nhất. Từ đó kỳ vọng doanh thu mùa mua sắm cuối năm khởi sắc để giúp anh em có một cái Tết ấm no", ông Tuấn chia sẻ.
Đại diện một hệ thống khác cũng cho biết năm nay sẽ vẫn đảm bảo thưởng Tết cho nhân viên, dù tình hình kinh doanh thua lỗ.
"Lĩnh vực bán lẻ thua lỗ nhưng chúng tôi may mắn có nhiều thương hiệu và hệ sinh thái bổ trợ nên kết quả không đến nỗi tệ như một số doanh nghiệp khác trong ngành", vị đại diện cho biết.
Ngành dệt may thưởng Tết giữ chân nhân viên
Dù công ty vẫn chưa chính thức thông báo thưởng Tết nhưng dự kiến năm nay công nhân Công ty may mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) có thể vẫn sẽ nhận được lương tháng 13 với mức thưởng trung bình khoảng 7,8 triệu đồng.
Chị Vũ Thị Hiền - chủ tịch công đoàn Quảng Việt - cho biết: "Năm nay công ty vẫn thực hiện tăng lương hằng năm 5% cho công nhân nên thưởng Tết năm nay cũng tăng lên tương đương".
Ngoài thưởng Tết, 5.000 công nhân Công ty may mặc Quảng Việt cũng được thưởng từ quỹ của khách hàng trong dịp Tết này. Đây là khoản tiền do các khách hàng, đối tác của công ty trích từ lợi nhuận của các sản phẩm bán ra trên thị trường thông qua chương trình sản xuất "Fair Trade" - Thương mại công bằng. "Năm nay công nhân nhận được 1 triệu đồng từ quỹ này", chị Hiền cho hay.
Công ty TNHH may Song Ngọc (quận Bình Tân) cũng đã có chính sách thưởng Tết 1 tháng lương cho khoảng 350 người lao động. "Năm nay các doanh nghiệp may mặc, da giày ít nhiều đều có khó khăn nhưng công ty vẫn thực hiện tăng lương cho người lao động trong năm lên 8% và năm nay dự kiến thưởng Tết 1 tháng lương thực tế", ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn - cho biết.
Đồng thời qua năm 2024, cả công ty Song Ngọc và Quảng Việt đều dự kiến tuyển thêm lao động để bù đắp cho số biến động sau Tết và với Song Ngọc là để mở rộng sản xuất.
Trong khi đó, ông Thân Đức Việt - tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết năm nay doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, "bám trụ" được cả năm nay, không ai phải nghỉ việc, thu nhập tương đương năm ngoái là sự nỗ lực rất lớn.
Dù xác định thị trường chưa phục hồi hẳn, vẫn còn nhiều khó khăn, bất định, song ông Việt cho biết doanh nghiệp vẫn có kế hoạch chi trả thưởng Tết cho công nhân với mức bình quân 1,6 tháng thu nhập, tương đương năm trước. "Năm tới dự kiến May 10 tuyển thêm khoảng 2.000 - 3.000 lao động", ông Việt nói.
Còn ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho biết năm nay là một năm rất khó khăn đối với ngành dệt may khi đơn hàng giảm mạnh, người lao động giảm giờ làm, không thể tăng ca như những năm trước.
Tuy vậy, đối với ngành dệt may, nguồn lao động đóng vai trò quan trọng khi đơn hàng phục hồi nên các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo lương thưởng cơ bản cho người lao động.
"Truyền thống của ngành dệt may là dù khó vẫn đảm bảo được ít nhất thưởng tháng 13 cho công nhân nên năm nay doanh nghiệp vẫn phải duy trì mức thưởng tối thiểu này", ông Hồng nói. Đối với những doanh nghiệp khá hơn, ông Hồng cho hay doanh nghiệp cũng gắng để cho công nhân có nhiều hơn 1 tháng lương nhưng cũng "không nhiều".
Lương thưởng năm nay sẽ "sáng hơn" cùng kỳ?
Ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết hầu hết các doanh nghiệp đã có phương án thưởng Tết và một số doanh nghiệp tăng thưởng dù kinh tế vẫn còn khó khăn.
Theo ông Phòng, chuyện doanh nghiệp thưởng Tết hàng tỉ đồng không phải cá biệt vì thưởng căn cứ dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp đồng lao động, xu hướng phát triển thời gian tới.
Trong khi nông nghiệp là "điểm sáng" thì các ngành như công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang giảm việc làm, giảm đơn hàng, kéo theo giảm doanh thu, giảm thu nhập, lương thưởng cho người lao động.
Trước tình hình đó, VCCI đã có kiến nghị các ngành chức năng có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ miễn giảm giãn thuế, chính sách lãi suất ngân hàng, hỗ trợ kinh doanh...
Lãnh đạo VCCI đánh giá một số doanh nghiệp trả tháng lương thứ 13, 14, hỗ trợ tàu xe về Tết cho người lao động chính là sự cảm thông, chia sẻ giữa người sử dụng lao động với lao động của mình.
"Bởi đào tạo một người có tay nghề, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công việc không hề đơn giản, chưa tính tới tình cảm gắn bó của người lao động với doanh nghiệp. Do vậy, hai bên cần hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau", ông nói.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Hưng - cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết đến ngày 26-12, cơ quan này đã tiếp nhận báo cáo của khoảng 30 tỉnh thành.
Cục đang chờ báo cáo của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, các địa phương nhiều doanh nghiệp, đông công nhân để phản ánh "bức tranh tiền lương, tiền thưởng" tổng thể. Dự kiến cuối tháng 12-2023, chậm nhất đầu tháng 1-2024, cục sẽ có báo cáo sơ bộ.
Tính tới hiện tại, có địa phương báo cáo dự kiến thưởng Tết hàng tỉ đồng không mới, không đại diện cho tất cả người lao động, "bức tranh chung" về tiền lương. Để có báo cáo chung, ông Hưng nêu rõ cục phải tổng hợp tương đối báo cáo, có số liệu để so sánh vùng, khu vực, miền, các năm trước...
"Sơ bộ, tình hình sẽ khá hơn các năm trước, kể cả thưởng Tết dương lịch, thưởng Tết âm lịch", ông Hưng bày tỏ.
Vay nợ thưởng Tết cho nhân viên
Những ngày cuối năm, nhiều CEO của các công ty đang phải chạy ngược xuôi để lo ngân sách lương tháng 13 và thưởng Tết cho nhân viên. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cho biết đang ngóng trông "đối tác thanh toán công nợ trước khi Tết về" để trả lương tháng 13 cho nhân viên.
Trong năm 2023, Buzi đối diện với một giai đoạn khủng hoảng ngay từ đầu năm khi lượng khách hàng đột ngột giảm, thậm chí các khách hàng chiến lược của công ty cũng cắt giảm ít nhất 50% ngân sách cho các chiến dịch marketing.
"Với các công ty thành lập dưới 5 năm, thời gian tích lũy nguồn vốn chưa thật sự mạnh kèm với các tác động như trên thì thật sự sẽ là một liều thuốc thử rất mạnh", ông Vĩ cho biết.
Trong khi đó, giám đốc vận hành một công ty công nghệ tại TP.HCM tiết lộ: "Đang đi vay tiền để trả lương tháng 13 cho nhân viên".
CEO một công ty công nghệ khác cũng cho biết đang chạy vạy khắp nơi "mong xoay được tiền để có lương cho nhân viên ăn Tết, chứ thưởng thì chắc chắn không thể rồi!".
Đề nghị không nêu tên, vị CEO cho hay năm 2023 thật sự khó khăn hơn những năm trước khi nền kinh tế liên tiếp chịu hai "cú đấm" đến từ dịch COVID tới khủng hoảng kinh tế thế giới.
"Công ty hiện kiếm nhà đầu tư nên không thể than vãn những khó khăn, thua lỗ của mình. Tuy nhiên, tình hình thật sự rất tệ. Tôi chỉ mong xoay được đủ tiền để đảm bảo tất cả nhân viên mình có lương ăn Tết và không ai phải bị cắt giảm", vị CEO thổ lộ.
Nhiều công nhân lo mất việc trước khi nghĩ tới thưởng
Ngay cả ngành hàng không cũng có nhiều nhân viên chỉ mong giữ được việc, còn chậm lương hay thưởng Tết thì tính sau.
Nhân sự hàng không lo thiếu việc, mất thưởng Tết
Quê ở Đà Nẵng, làm việc tại TP.HCM cho một hãng hàng không, chị Nguyễn Duyên cho biết gia đình và bà con luôn kỳ vọng con gái làm việc trong ngành hàng không "việc nhẹ, lương cao".
Những năm trước, làm ăn còn thoải mái, có lương thưởng tháng 13 và các phụ cấp khác, túi tiền xông xênh mua sắm Tết. Hai năm qua, hàng không lâm vào cơn bĩ cực, nợ lương nhân viên là chuyện thường như cơm bữa. Thời gian đầu còn thông báo nợ nhưng sau đó như việc hiển nhiên, nhân viên phải chấp nhận.
"Duy trì công việc là mừng chứ đâu nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Trả lương đúng hẹn giai đoạn này là tốt lắm rồi" - chị Nguyễn Duyên cho biết.
Câu chuyện nợ lương, giảm lương trở thành nỗi ám ảnh với nhân viên hàng không trong năm qua. Tình hình còn tệ hơn nữa khi bốn tháng gần Tết, hãng bay ồ ạt trả tàu do chủ tàu rút máy bay ra khỏi Việt Nam, lao động dư thừa khiến nhân viên thấp thỏm có nằm trong danh sách sa thải hay không.
Một lãnh đạo hãng bay thừa nhận rất nhiều người lao động sẽ bị ảnh hưởng do công ty tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Hơn ba tháng nay, việc đàm phán giảm tàu, giảm hoặc giãn các khoản nợ cũng không đau đầu bằng việc "giữ ai, loại ai".
Nếu giữ toàn bộ, việc làm không có, bộ máy cồng kềnh, sức khỏe doanh nghiệp thêm suy kiệt. Còn cắt giảm nhân sự, chọn ai, giữ lại ai là bài toán hết sức khó xử. Các tiêu chí đặt ra để giữ lại người hoặc ký cho người khác nghỉ việc, theo vị này, "ám ảnh cả trong giấc ngủ".
Còn theo ông Lương Hoài Nam, tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng cũng đang dư rất nhiều nhân sự, trong đó phi công dư cả trăm người, tiếp viên dư 500 người. Công ty đã đề nghị các hãng hàng không khác giúp giải quyết lao động dôi dư.
Nhiều công nhân không còn trụ lại đến ngày có thưởng
Theo ghi nhận tại một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương cho biết năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên nhiều nhà máy phải cắt giảm lao động.
Nhiều công nhân do không có việc, không có tăng ca dẫn tới thu nhập không đủ trang trải nên đã từ Bình Dương về quê từ nhiều tháng trước. Mức thưởng Tết năm nay tại Bình Dương cũng giảm so với năm trước.
Ông Phạm Văn Tuyên, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết qua tổng hợp gần 1.000 doanh nghiệp đã báo cáo về kế hoạch thưởng Tết cho thấy mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân năm nay là 6,8 triệu đồng (mức bình quân năm trước khoảng 7,2 triệu đồng).
Dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất của năm nay là 366 triệu đồng, thấp hơn mức thưởng của năm trước là 896 triệu đồng. Nơi có mức thưởng cao nhất tại Bình Dương là tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP Dĩ An. Dự kiến mức thưởng Tết thấp nhất là 4,68 triệu đồng (với lao động làm đủ 12 tháng).
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết năm nay là năm mà các doanh nghiệp và người lao động có nhiều khó khăn nên các hoạt động của công đoàn chăm lo dịp Tết cũng sẽ tập trung hơn.
Ngoài việc đôn đốc công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư kiến nghị của công nhân, các hoạt động đã trở thành "thương hiệu" vẫn sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương duy trì như "chuyến tàu xuân nghĩa tình" hỗ trợ 1.000 người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê.
Tổng liên đoàn Lao động VN cũng tổ chức ba chuyến bay tập trung đưa khoảng 675 người lao động khó khăn ở các tỉnh miền Nam (trong đó có Bình Dương) về quê ăn Tết, hỗ trợ người lao động tại Bình Dương 450 suất vé tàu...
Cuối năm, một trong những câu chuyện quan tâm nhất với người lao động là thưởng Tết. Song với nhiều doanh nghiệp bất động sản, đa phần nói khó khăn kéo dài nên thưởng Tết ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.