Đó là vở Lạc ở đáy sông (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thoại, đạo diễn: Ái Như, phó đạo diễn: Công Hiển).
Nghe qua tưởng vở mang màu sắc... kinh dị nhưng thật ra lại khiến người xem cảm động đến rơi nước mắt.
Vở lấy bối cảnh là chiếc ghe cũ tròng trành ở một con sông miền Tây.
Chiếc ghe của ông Tư Bờ (Thành Hội đóng) ngoài việc chở hàng mướn thì thường xuyên đón những thi thể do ông Tư vớt dưới sông lên rồi trả về nhà để họ có mồ có mả.
Mấy chục năm, ông Tư Bờ cặm cụi làm công việc mà ai cũng sợ. Lặng lẽ, không cần tri ân...
Đạo diễn Ái Như chia sẻ ê kíp đã đọc nhiều bài báo về những người vớt xác trên sông và rất xúc động với tấm lòng của những con người bình dị, làm công việc mà không phải ai cũng dám.
Từ đó Hoàng Thái Thanh và tác giả trẻ Nguyễn Thoại đã phát triển, xây dựng nên một câu chuyện đầy cảm xúc.
Với ông Tư Bờ là nỗi niềm của một người chồng cần cù nhưng cứ ôm cái nghèo. Một ngày vợ chồng cự nự, Lụa (vợ ông Tư, Tuyết Thu đóng) đã nhảy sông.
Trong sự tuyệt vọng và đau đớn, mấy chục năm ròng ông Tư cứ đi tìm vớt xác người để mong có ai đó cũng thương, vớt được xác vợ ông đưa lên bờ chôn cất. Bởi, đáy sông lạnh lắm...
Nếu các sân khấu khác ưu tiên chọn hài kịch cho mùa Tết thì Hoàng Thái Thanh vẫn ưu tiên hàng đầu những số phận, bi kịch của con người.
Lạc ở đáy sông có những niềm đau nhưng dung hòa được yếu tố bi hài nên khán giả được khóc cười trong từng lớp diễn.
Thành Hội tiếp tục chinh phục khán giả với hình ảnh người chồng xù xì, thô ráp nhưng đầy tâm sự, đêm đêm đau đớn lạc trong các vong linh lẩn khuất dưới dòng sông.
Nếu Thành Hội làm cho người ta khóc, thì Ái Như đem đến tiếng cười duyên dáng với nhân vật Tám Bích, bà bán vé số thương ông Tư hết lòng hết dạ.
Ngoài vai diễn Tám Bích, Ái Như còn giữ vai trò đạo diễn. Và lần này thách thức của chị là phải tạo hình ảnh, không khí sông nước mới lạ so với những vở trước đây của Hoàng Thái Thanh như Tục lụy, Bao giờ sông cạn.
Và hình ảnh chiếc ghe neo trên sông trong Lạc ở đáy sông với cách xử lý ánh sáng trong từng không gian đã tạo nên những hiệu quả đặc biệt để khắc họa nội tâm nhân vật.
Trên chiếc ghe đó, các nhân vật đã chênh chao trôi qua từng khúc quanh mà đôi khi chỉ cần quá toan tính là có thể đánh mất cuộc đời. Những dòng sông miền Tây hiền hòa nhưng vẫn chứa trong nó những con sóng, cũng như lòng người...
Lạc ở đáy sông còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Hoàng Thái Quốc, Thế Hải, Phương Trâm, Kỳ Thảo, Nguyễn Long, Ma Ran Đô, Hoài Thương...
Vở sẽ có một buổi sneakshow vào tối 31-12, sau đó Hoàng Thái Thanh sẽ "để dành" phục vụ khán giả đúng mùng 1 Tết Nguyên đán 2024 cùng với vở Lồng sắt.
Càng về cuối năm, hoạt động của các sân khấu càng rôm rả. Bởi lượng khán giả kịch không tăng mấy nhưng sân khấu năm 2023 đã nở rộ hơn chục sàn diễn.