3 bị cáo tuyên y án chung thân
Trong phần tuyên án vụ chuyến bay giải cứu sáng nay 27-12, hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm tuyên không chấp nhận kháng cáo của cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Anh Tuấn (cựu phó trưởng phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an).
Cả ba bị cáo trên bị tuyên y án chung thân.
Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Phạm Trung Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn cho các đại diện tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu.
Kiên gây khó khăn để các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu.
Ông Kiên nhận tiền 253 lần, tương đương 42,6 tỉ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu. Ông Kiên dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay, nhưng lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền.
Trước phiên phúc thẩm, Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 400 triệu khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ.
Tuy nhiên bản án phúc thẩm nhận định cựu thư ký Phạm Trung Kiên, cựu cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan bị nhận hối lộ nhiều lần, số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc dư luận nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cần phải có hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.
Nhũng nhiễu doanh nghiệp tạo cơ chế xin - cho
Theo bản án phúc thẩm, trong số các bị cáo nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn có hành vi đòi hỏi, sách nhiễu, đưa ra giá "chung chi" và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép.
Các bị cáo khác dù không yêu cầu nhưng đều gặp gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước hoặc sau khi tổ chức xong chuyến bay được các doanh nghiệp chi tiền cảm ơn.
Hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành.
Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ.
Hành vi của các bị cáo xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Thủ đoạn nhận hối lộ của các bị cáo tồn tại ở hai dạng, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền theo "luật bất thành văn".
Thậm chí nhiều cựu quan chức phạm tội theo hình thức thông đồng, hứa hẹn chia sẻ lợi ích.
"Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỉ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng" - hội đồng xét xử đưa ra phân tích và khẳng định hành vi của các cựu quan chức chính xác là nhận hối lộ.
Giảm án cho nhiều bị cáo
Trong số các bị cáo được tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo có ông Tô Anh Dũng (cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao) được giảm 2 năm tù so với án sơ thẩm.
Ông Dũng bị tòa phúc thẩm tuyên phạt 14 năm tù về hành vi nhận hối lộ 21,5 tỉ của các doanh nghiệp.
Cũng được tòa chấp nhận một phần kháng cáo, cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân được giảm 1 năm tù so với án sơ thẩm. Ông Tân bị tuyên phạt 5 năm tù về tội nhận hối lộ.
Hầu hết các bị cáo trong nhóm doanh nghiệp phạm tội đưa hối lộ có kháng cáo đều được tòa phúc thẩm chấp nhận giảm một phần mức án.
Luật sư của Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết gia đình bị cáo đã nộp thêm 7 tỉ, đến nay tổng số tiền Kiên khắc phục hậu quả và trả lại cho các doanh nghiệp là hơn 42,2 tỉ trong tổng số 42,6 tỉ tiền nhận hối lộ.