Tự bào chữa trong ngày thứ 2 của phiên tòa phúc thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", cựu Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết bạn bè của bà đã khắc phục thêm 5 tỷ đồng, nâng số tiền đã nộp lên 6,2 tỷ, trên tổng số 25 tỷ đồng nhận hối lộ.
Trước bục khai báo, bà Lan mong muốn HĐXX xem xét lại về ý thức khắc phục hậu quả vụ án.
Nữ bị cáo khai đã dùng phần lớn số tiền nhận hối lộ để mua chứng khoán, trái phiếu và chi tiêu cá nhân. Sau khi bị bắt, các tài khoản của bà Lan đều bị phong tỏa nên tiền đầu tư cũng "kẹt".
Phân trần trước tòa, cựu Cục trưởng nhắc lại việc bản thân là mẹ đơn thân, phải nuôi 2 con và một mẹ già.
Khai về nhận thức lúc nhận tiền, cựu Cục trưởng Lãnh sự nói chỉ nghĩ là tiền cảm ơn của doanh nghiệp khi giúp đỡ họ làm xong công việc. Chỉ đến khi bị bắt, bà Lan mới hiểu hành vi này là vi phạm pháp luật.
Trước đó, trong phần luận tội, VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan từ án tù chung thân xuống 20 năm tù.
Cơ quan tố tụng ghi nhận việc bị cáo tự nguyện phát mại các tài sản hiện có để khắc phục hậu quả vụ án.
Bên cạnh đó, tháng 11, Công đoàn Bộ Ngoại giao, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã có đơn gửi HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hương Lan do có nhiều đóng góp cho ngành.
Phía VKS cũng ghi nhận nhiều thành tích của bà Lan trong quá trình công tác khi được tặng thưởng các huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen của nhiều bộ, ngành.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép các chuyến bay giải cứu, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của đại diện 8 doanh nghiệp.