Bạn đọc D.L. gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online: “Bố tôi năm nay 85 tuổi, thỉnh thoảng đi lại tự nhiên lại bị khuỵu chân ngã.
Tôi đã cho bố đi chụp phim khớp gối thì xác định là dịch có trong khớp gối, mặc dù đã uống thuốc theo đơn bác sĩ nhưng hiện tượng bị ngã vẫn xảy ra. Xin hỏi nguyên nhân khuỵu gối do đâu và điều trị như thế nào?".
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - khoa y học thể thao, Bệnh viện Quân y 175 - cho biết thường xuyên gặp vấn đề khuỵu chân ngã đột ngột ở người cao tuổi.
Trước hết, trường hợp bố của bạn đã 85 tuổi, cần phải loại trừ các bệnh lý tuổi già như khả năng nhận thức, đột quỵ não.
Để tầm soát được các bệnh trên, đòi hỏi người bệnh phải được đưa đến bệnh viện để được chụp cộng hưởng từ và làm các xét nghiệm khác.
Về vấn đề khớp gối của người bệnh, nguyên nhân được nghĩ đến nhiều nhất là do thoái hóa khớp gối.
Cảm giác khuỵu gối có thể đến từ hai nguyên nhân:
Một là tình trạng bị đứt dây chằng khớp gối ở thời trẻ nhưng không phát hiện.
Hai là do thoái hóa khớp gối làm tràn dịch và đau khớp gối, dẫn đến những cơ bắp xung quanh gối bị teo đi, dần dần làm cho khớp gối bị yếu và dễ bị khuỵu gối hơn.
Với hai vấn đề trên, tùy theo mỗi nguyên nhân sẽ có những phương án giải quyết khác nhau.
Trong trường hợp thoái hóa khớp gối, nếu người bệnh vẫn còn khả năng tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày, có thể đi bộ thể dục nên cân nhắc đưa đến các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được khám và tư vấn.
Tại đây các bác sĩ có thể điều trị phương án y học tái tạo như tiêm dịch nhờn, huyết tương giàu tiểu cầu.
Trường hợp bề mặt sụn khớp đã bị hư hỏng nặng nề, tùy vào sức khỏe tổng trạng mà bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn thay khớp gối nhân tạo để giúp cho việc đi đứng của bệnh nhân trở nên thuận tiện hơn.
Viêm màng hoạt dịch thể lông nốt thường gặp ở tuổi 30 - 50 gây đau và sưng nề khớp gối, kết hợp với tình trạng lắng đọng một hoạt chất có tính kim loại trong khớp. Bệnh không chữa khớp bị phá hủy nhiều làm mất khả năng đi lại của bệnh nhân.