Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại buổi talkshow trực tuyến "Sử dụng gỗ công nghiệp đúng chuẩn và an toàn" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào sáng 27-12.
Cảnh giác trước ngôi nhà sinh bệnh
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nhiều người cảm thấy hân hoan trước mùi thơm từ căn nhà mới của mình, mùi thơm từ pháo hoa… Tuy nhiên, nếu phải thường xuyên ngửi các mùi này sẽ gây ra cảm giác khó chịu cho người ngửi.
Theo ông Dũng, trong cơ thể con người luôn có hệ thống cảm nhận mùi, thông báo có những sinh vật gì hoặc thay đổi về môi trường, bao gồm việc cảnh giác. Đa số mùi được tạo ra bằng chất hữu cơ bay hơi, thường gắn kết với những điều xấu trong sức khỏe.
Đặc biệt, khi mùi gây khó chịu, cảnh báo gây hại. Như mùi nhựa urea formaldehyde gây khó chịu, khiến con người u uất, buồn phiền và cảm giác không khỏe hay benzen có mùi dịu ngọt dễ chịu, nhưng lại gây ung thư.
Thực tế cho thấy hiện có nhiều người bị mắc hội chứng ngôi nhà sinh bệnh (sick building syndrome) khi sống trong môi trường nhà kín, dùng máy lạnh, hoặc đóng kín cửa dùng máy sưởi… "Hội chứng này cũng là tác nhân gây lãng phí 0,5% GDP", ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Trung - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, giám đốc Công ty TTT Architects, chủ nhiệm CLB Kiến Trúc Xanh TP.HCM - cho biết về môi trường trong nhà, chỉ cần ở trong thời gian ngắn nhưng nếu sự độc hại đến ngưỡng thì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, trong xây dựng, hiện thường dùng hai loại cơ bản gồm sơn nước và sơn dầu. Sơn nước có mùi thơm nhưng lại độc hại, còn sơn dầu mùi bay ra gây khó chịu và cũng chứa chất độc hại. Theo ông Trung, sơn nước đã có dòng không mùi, tách chất bay hơi ảnh hưởng đến sức khỏe ra ngoài. Riêng sơn dầu, cứ một lít sơn thì có 1/4 hoặc một nửa chất độc hại VOC.
Vì vậy, ông Trung cho rằng đối với các vật liệu cần sơn, người dân nên sơn tại xưởng, khoảng 2 tuần sau mới mang vào nhà để hạn chế chất độc hại tác động trực tiếp đến con người. Trường hợp phải sơn tại nhà, theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ môi sinh (Mỹ), sau khi sơn không nên vào ở liền mà cần lắp hệ thống quạt để hút không khí ra khỏi nhà trong vòng 7-10 ngày, không nên ngắn hơn một tuần.
Ưu tiên vật liệu đạt tiêu chuẩn xanh
Kiến trúc sư Trần Khánh Trung cho biết bản thân đã có hơn 10 năm tìm hiểu về kiến trúc xanh, xu hướng chung của thế giới, đặc biệt khi nhiệt độ và thiên tai tăng do khí hậu biến đổi, con người hủy hoại môi trường.
Thực tế cho thấy các công trình công cộng và nhà ở, hay việc xây nhà và dùng vật liệu… đều tác động đến ô nhiễm môi trường, do đó cần khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh - bền vững, sinh thái, ít gây hại môi trường.
Ngoài ra, từ sau đại dịch COVID-19, con người cảm nhận rõ rệt hơn về sự quan trọng của môi trường sống. Theo đó, trong nhà chọn vật liệu an toàn với sức khỏe, từ sàn, tường, vách, thảm…
Nhà báo Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm truyền thông báo Tuổi Trẻ, cho biết có một thực tế là hiện nay nhiều người dân đang rất quan tâm vấn đề sức khỏe, ưu tiên chọn vật liệu tiêu chuẩn xanh, an toàn. Tuy nhiên, khi ra thị trường, không ít người cảm thấy hoang mang trước vô số lựa chọn. Việc mua vật liệu chất lượng và xanh còn trở nên khó khăn hơn đối với người có túi tiền eo hẹp.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Lê Viết Hoàng Thân - trưởng phòng nghiên cứu và phát triển Tập đoàn KES - cho hay khi mua sắm vật liệu xây dựng, đặc biệt vật liệu nội thất, người dân có thể đánh giá chất lượng sản phẩm qua giác quan, cũng như thông số in trên bao bì.
"Khi rờ vào, chúng ra sẽ cảm nhận được đâu là tấm ván có cạnh bị xốp, mặt bị xụ, nền yếu. Ngoài ra, nếu ngửi mùi cay nồng cao thì không đạt chất lượng về độ an toàn sức khỏe, không nên sử dụng", ông Thân cho biết.
Theo ông Thân, trên thị trường ván lót sàn, có ba dòng cơ bản phân loại thông qua màu sắc gồm: ván màu xanh (chống ẩm), màu đen (chống ẩm và có độ cứng cao), màu trắng (ván thường, không chống ẩm). Khi trưng bày, đa số ván đã được trang trí bằng các lớp phủ, nên việc cảm nhận bằng giác quan vẫn chưa đủ, do đó cần đọc thêm các thông số về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cầm trên tay hộp đựng loại ván đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, ông Thân cho biết thông tin bao bì thể hiện gồm: độ mài mòn, khổ ván, độ dày, chỉ số phát thải formandehyde...
Thông tư 04 năm 2023 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng - trong đó có gỗ công nghiệp - đã được Bộ Xây dựng ban hành vào tháng 6-2023 và sẽ có hiệu lực vào 1-1-2024.