Trong kết luận thanh tra việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vi phạm, thiếu sót của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng như chủ đầu tư các dự án điện mặt trời ở địa phương này.
Không thẩm định vẫn trình Thủ tướng phê duyệt
Kết luận chỉ ra, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lập quy hoạch phát triển điện mặt trời Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, trình nhưng không được Bộ Công Thương phê duyệt.
Dù không có quy hoạch điện mặt trời, không có danh mục các dự án điện mặt trời được duyệt, nhưng trong giai đoạn từ khi ban hành Quyết định 11/2017 đến thời điểm Bộ Công Thương ban hành Quyết định 667 ngày 1/3/2018 phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung riêng lẻ 15 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh, vi phạm thông tư số 43 của Bộ Công Thương.
“Việc không phê duyệt quy hoạch điện mặt trời đã gây khó khăn, bất cập, bị động cho tỉnh Ninh Thuận trong việc bố trí quỹ đất, lập quy hoạch, phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi trình riêng lẻ trong thời gian ngắn nhiều dự án”, kết luận chỉ ra và nêu rõ trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 2, công suất 250 MW (thuộc BIM Group).
Cụ thể, tháng 12/2017, dù EVN đã có ý kiến về tổng quy mô công suất điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã lên tới gần 5.000 MWp (chưa tính tới công suất từ cụm nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.000 MWp), nhưng Bộ Công Thương vẫn trình Thủ tướng bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 2 vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Điều này làm tăng công suất so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong việc thẩm định bổ sung các dự án, mặc dù đã có ý kiến của Bộ KH&ĐT và Cục Điều tiết điện lực đối với dự án BIM 2; ý kiến của EVN về phương án đấu nối không giải tỏa được công suất của các nhà máy điện mặt trời, sẽ bị quá tải khi các nguồn điện khác cùng phát cao, nhưng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo vẫn trình Bộ Công Thương và Bộ này đã trình Thủ tướng phê duyệt.
Chưa kể, mặc dù có nhiều dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, nhưng khi lập Dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 2 (tháng 3/2018) bổ sung Quy hoạch điện lực quốc gia, Công ty tư vấn Điện 4 đã không đưa vào cân đối tổng nguồn, dẫn đến việc tính toán nguồn điện trong khu vực, phương án đấu nối, khả năng truyền tải... gặp nhiều khó khăn trong việc giải tỏa công suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Còn trong thẩm định dự án, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã không yêu cầu đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ nhưng vẫn trình Bộ Công Thương để trình Thủ tướng phê duyệt.
“Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo”, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Thi công dự án trước khi UBND tỉnh cho thuê đất
Còn về phía UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 2 khi chủ đầu tư dự án không đủ vốn chủ sở hữu, trái với Nghị định 46 năm 2014 của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư dự án hoàn thành; phê duyệt công suất cao hơn 75 MWp so với đề nghị của chủ đầu tư; phê duyệt điều chỉnh bổ sung địa điểm thực hiện dự án tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam cho phần công suất mở rộng 50 MW là không đúng với địa điểm quy hoạch tại Văn bản số 669 ngày 23/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc cho thuê đất thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời BIM 2, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất huyện Thuận Nam và cho Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM thuê 165,16 ha tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 113 là không đúng với Luật Đất đai 2013.
Cho thuê 59,9 ha đất tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam là không đúng với địa điểm thực hiện dự án tại văn bản số 669 của Thủ tướng Chính phủ.
“Việc thi công dự án trước UBND tỉnh cho thuê đất và trước khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất làm muối sang đất xây dựng công trình năng lượng là vi phạm quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013”, kết luận nêu rõ.
Ngoài Dự án điện mặt trời BIM 2, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra loạt vi phạm của các dự án điện mặt trời khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đối với dự án Thiên Tân 1 ở huyện Thuận Nam có công suất 1.000 MW không có phương án đấu nối vào lưới truyền tải điện quốc gia dự kiến đầu tư trong giai đoạn quy hoạch.
Đơn vị tư vấn lập quy hoạch không lấy ý kiến bằng văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận để thống nhất về vị trí quy hoạch địa điểm các nhà máy điện dự án Thiên Tân 1 và các trạm biến áp 500 kV dự kiến phát triển trên địa bàn tỉnh.
Còn việc trình bổ sung phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đối với nhà máy điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo không tiếp thu ý kiến thực tế, khách quan của EVN để yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh dự án; không tổ chức thẩm định dự án nhưng đã báo cáo Bộ và trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với dự án nhà máy điện gió Công Hải 1 - giai đoạn 2 (công suất 25 MW, chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát điện 2), việc Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch khi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chưa thẩm định là trái Thông tư 43. Thanh tra chính phủ xác định trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phê duyệt 2 dự án nhà máy điện mặt trời Phước Hữu và Mỹ Sơn cùng có công suất 50 MW (tương dương 65 MWp) vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận, tăng tổng cộng 30 MWp so với đề xuất của địa phương là vi phạm Thông tư số 43.
Với những sai phạm trên Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, khắc phục các khuyết điểm, vi phạm đã nêu.