Ngày 27-12, Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (SDV) - chủ đầu tư khu xử lý rác thải Quang Trung - xác nhận vừa có thông báo chi tiết về hiện trạng hoạt động và khả năng tiếp nhận rác thải tại dự án trên.
Theo báo cáo, Công ty SDV hiện đang đóng 4 ô chôn lấp và vận hành 9 ô theo giấy phép môi trường. Đồng thời, công ty cũng đang lập thủ tục xin cấp giấy phép vận hành ô chôn lấp số 8 còn lại.
Theo quy định trong giấy phép môi trường được cấp, các ô chôn lấp chỉ được vận hành chôn lấp rác thải với thể tích được cấp phép nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về quản lý rác thải, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Trong năm 2023, Công ty SDV đã tiến hành quan trắc, đo đạc thể tích khối rác thải đã chôn lấp vào tháng 9 và tháng 12 nhằm đưa ra phương án vận hành phù hợp. Theo đó, các ô chôn lấp hợp vệ sinh có cao độ vượt thiết kế và đang tạm dừng vận hành chờ lún.
Công ty SDV nhận định việc tiếp tục chôn lấp rác thải lên trên đỉnh ô, vượt giấy phép sẽ dẫn đến những nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật, an toàn lao động và vệ sinh môi trường như tràn đổ rác thải, nước rỉ rác ra bên ngoài ô chân…
Do đó, từ đầu tháng 12-2023, công ty buộc phải đưa ô chôn lấp số 8 vào vận hành nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt theo yêu cầu của các địa phương trên địa bàn. Song với khối lượng rác sinh hoạt tiếp nhận như hiện nay, ước tính đến tháng 6-2024 sẽ hết đất chôn lấp.
Về tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch, công ty đang lập quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở, dự kiến sẽ trình khi quy hoạch 1/2000 được duyệt. Tuy nhiên, theo tiến độ giải quyết các hồ sơ thủ tục, đến tháng 8-2025 mới đủ điều kiện đưa ô chôn lấp mới vào vận hành.
Về phương án gia cố các ô chôn lấp hợp vệ sinh hiện hữu để tăng thể tích, tổng cộng thời gian thực hiện các thủ tục đến khi được phép chân rác trợ vào phạm vi nối ô mất khoảng 30 tháng.
Đối với dự án đốt rác sinh hoạt phát điện, Công ty SDV tiếp xúc nhiều đơn vị cung cấp công nghệ để lựa chọn giải pháp tối ưu. Dù vậy, công ty chưa có cơ sở về nguồn rác, lãi suất ưu đãi cho vay để thực hiện dự án; chưa có cam kết về mua điện và giá điện rác… nên còn cân nhắc triển khai.
Từ thực trạng trên, Công ty SDV cho rằng nếu tiếp tục tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt với công suất 1.200 tấn/ngày, các ô chôn lấp chỉ có thể vận hành đến khoảng tháng 6-7 năm 2024.
Để duy trì hoạt động xử lý rác thải tại Khu xử lý rác thải Quang Trung đến khi có ô chân lắp mới, kể từ ngày 1-1-2024, đơn vị buộc phải giảm khối lượng rác sinh hoạt tiếp nhận xử lý xuống còn 600 tấn/ngày.
Cùng thông báo trên, Công ty SDV cũng gửi văn bản đến một số huyện về việc ngưng tiếp nhận rác, kể từ 15h ngày 31-12 để chờ ô chôn lấp mới và bảo trì.
Quá tải tiếp nhận, xử lý rác thải
Khu xử lý rác thải Quang Trung (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) quy mô 130ha, hoạt động từ năm 2009. Ban đầu, dự án này chỉ có công suất 600 tấn/ngày, xử lý rác thải cho huyện Thống Nhất và TP Long Khánh.
Sau đó, HĐND tỉnh Đồng Nai có nghị quyết yêu cầu các địa phương phải đảm bảo tỉ lệ chôn lấp rác trơ dưới 15%. Thế nhưng nhiều huyện, thành phố ở Đồng Nai không đảm bảo tỉ lệ như yêu cầu.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai điều tiết lượng rác từ 6 huyện, thành phố khác đưa về khu xử lý rác thải Quang Trung để đảm bảo lượng tỉ lệ chôn lấp. Từ đó, nâng công suất dự án lên 1.200 tấn/ngày và xử lý rác cho 8 huyện, thành phố. Điều này dẫn đến quá tải.
Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được các địa phương của tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện.