Báo cáo của Chính phủ cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau 9 tháng đầu năm khá tích cực khi quý sau cao hơn quý trước. So với cùng kỳ, GDP quý III tăng 5,33%, quý II tăng 4,05%, quý I tăng 3,28%.
Tuy chưa đạt được mục tiêu của năm nhưng đây vẫn là một kết quả đáng khích lệ khi nhìn vào bối cảnh biến động của địa chính trị thế giới, môi trường thương mại quốc tế và thay đổi trong thói quen tiêu dùng và tiết kiệm của người dân.
Chiến tranh Nga - Ukraine chưa đến hồi kết thì bất ổn ở Trung Đông lại nổ ra giữa Israel và lực lượng Hamas. Các xung đột cục bộ này có tác động lớn đến những bên liên quan, trong đó tiêu điểm là những vấn đề xã hội, nhập cư, an ninh năng lượng.
Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và trên phạm vi quốc tế.
Tháng 10/2023, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự báo cập nhật tăng trưởng toàn cầu năm 2023 vào khoảng 3%, khu vực năng động châu Á - Thái Bình Dương là 4,6%, còn ASEAN là 4,2%. Dự báo tiêu cực nhất từ Ngân hàng thế giới (WB) và OECD đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay cũng là 4,7% (tháng 8) và 4,9% (tháng 9).
Các điểm tích cực khác và vẫn là thế mạnh của Việt Nam bao gồm môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và cải thiện môi trường đầu tư. Tỷ trọng đóng góp cao vào GDP của các ngành công nghiệp và xây dựng (37,16%) và ngành dịch vụ (42,72%) cũng là một điểm sáng khẳng định những nỗ lực cải tiến mô hình tăng trưởng.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 tiếp tục tăng và ước đạt 36,6 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 32,1% so với năm trước.
Về tổng thể, các kết quả lạc quan đạt được đến từ nhiều yếu tố như nỗ lực cải cách kinh tế, thúc đẩy mở rộng kinh doanh, tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, xây dựng các hạ tầng giao thông kết nối và hoàn thiện hành lang pháp lý cho đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ nhà đầu tư.
Sự chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy thực thi các hiệp định thương mại song phương và đa phương giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt, hạn chế các rủi ro trong thương mại quốc tế, nhất là nguy cơ thiếu hụt nguyên vật liệu, yếu tố đầu vào, và suy giảm xuất khẩu nhờ vào thị trường đa dạng.
Các hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam), và UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) đang phát huy tác dụng. Ví dụ, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP năm 2022 đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021.
Điều phối nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, cạnh tranh ảnh hưởng và xung đột cục bộ ở nhiều khu vực cần một sự linh hoạt, thích ứng, và chủ động. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã làm được điều này, thể hiện qua rất nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế mở rộng thị trường.
Các cuộc đón tiếp, hội đàm với lãnh đạo cao cấp của các đối tác lớn (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hà Lan...) đang tạo ra các cơ hội làm việc, kinh doanh cho các tập đoàn trong và ngoài nước.
Trong năm 2023 đã có nhiều tập đoàn toàn cầu như Boeing, Walmart, Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, Intel, GE, Google... đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất.
Các chính sách thúc đẩy các đột phá chiến lược có những bước tiến rõ ràng, trong đó xã hội nhận thức được những trọng tâm lớn của năm như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo động lực tăng trưởng, phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và tiếp cận các mô hình kinh tế mới (xanh, tuần hoàn).
Cải cách thể chế, cải cách hành chính cũng được Chính phủ quan tâm, giải quyết nhiều vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng, đất đai.
Việc đưa người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong các cải cách hành chính cùng với sử dụng các chỉ số trong quản lý điều hành cải cách (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS và chỉ số cải cách hành chính PAR) có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong đánh giá những thành tựu đạt được mà còn nhìn được chặng đường phía trước cần phải thực hiện.
Bên cạnh những điểm sáng, không thể phủ nhận Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian qua.
Trong năm 2023, doanh nghiệp nói chung vận hành trong môi trường sụt giảm nhu cầu và sự gia tăng chi phí sản xuất. Các khó khăn về chuỗi cung ứng, logistics và giá năng lượng tăng đưa đến những thách thức lớn cho sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may (giảm 9%) và thủy sản (giảm 22%) ở trong tình trạng cầm cự vì thiếu đơn hàng do sự phục hồi tăng trưởng chậm ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU và suy yếu tăng trưởng ở Trung Quốc.
Dự kiến tăng trưởng của khối EU và đồng euro năm nay chỉ vào khoảng 0,6%, trong khi Mỹ tăng trưởng khoảng 2%. Tuy có cải thiện hơn, tổng cầu toàn cầu năm 2024 cơ bản vẫn yếu.
Để vượt qua những thách thức đến từ kinh tế toàn cầu, điều quan trọng là Việt Nam cần phải nắm bắt kịp thời và thích ứng với thay đổi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở các thị trường phát triển.
Ví dụ, một xu hướng rất lớn ở Pháp và châu Âu là thay đổi phong cách sống, người dân gia tăng tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có phát thải các bon thấp và thân thiện môi trường.
Theo "Báo cáo về giấy và bao bì toàn cầu" của Bain & Company, 71% người tiêu dùng châu Âu muốn mua các sản phẩm bền vững, trong khi 71% người tiêu dùng Mỹ muốn mua sản phẩm có ít bao bì nhất có thể.
Trong nước vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, cũng như một số vụ án lũng đoạn thị trường khác, có tác động tiêu cực đến thị trường và tăng trưởng kinh tế vì các mối liên hệ kinh tế, pháp lý phức tạp giữa các pháp nhân trực thuộc. Việc phát hiện và xử lý sớm các vụ án kiểu này sẽ tránh những thiệt hại lớn về kinh tế, nguy cơ xáo trộn thị trường, và tác động dây chuyền cho hệ thống.
Do sự ổn định, hiệu quả của thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục quyết tâm làm minh bạch thị trường, tìm cách cải cách và nâng cao năng lực quản lý, giám sát hiệu quả các ngân hàng để tránh tình trạng thao túng, lũng đoạn và lừa đảo.
Bài 2: Đã đến lúc chuyển đổi mô hình mới
Ảnh: Vũ Tuấn Anh/GokuAgency
Nội dung: Mộc An
Thiết kế: Tuấn Huy