Dollar Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn trên thế giới - hôm 27/12 xuống 100,81 điểm - thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Hiện tại, Dollar Index vẫn quanh mốc này.
Chỉ số này đang trên đà ghi nhận mức giảm 2,6% năm nay, chấm dứt chuỗi tăng mạnh 2 năm liên tiếp trước đó. Đôla Mỹ hiện kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo giảm lãi suất năm tới.
Nhà đầu tư đang tập trung phân tích thời điểm Fed bắt đầu giảm lãi. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, thị trường hiện cho rằng xác suất Fed giảm lãi từ tháng 3/2024 là 89%. Tổng mức giảm năm sau có thể vào khoảng 158 điểm cơ bản (1,58%).
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Fed khó mạnh tay đến vậy. "Chúng tôi vẫn nghĩ rằng việc thay đổi chính sách vào tháng 3 là quá sớm. Đồng đôla Mỹ vẫn còn tiềm năng tăng nếu dự báo này không thành hiện thực", các nhà phân tích tại Monex USA nhận định.
Dù Fed bất ngờ đưa ra lập trường nới lỏng trong phiên họp chính sách tháng 12, mở đường cho việc giảm lãi suất năm tới, các ngân hàng trung ương lớn khác, như Anh hay châu Âu, vẫn khẳng định sẽ giữ lãi ở mức cao thêm một thời gian nữa.
Euro hiện tăng 0,09% so với đôla Mỹ, lên 1 EUR đổi 1,11 USD. Hôm qua, giá EUR lên đỉnh 5 tháng so với USD. Năm nay, đồng tiền chung châu Âu đã tăng 3,7% - mạnh nhất kể từ năm 2020.
Mỗi Bảng Anh hiện đổi được 1,28 đôla Mỹ - cao nhất kể từ tháng 8. Năm nay, bảng tăng giá 6% - mạnh nhất kể từ năm 2017. So với Mỹ và châu Âu, Anh khó có khả năng giảm lãi suất mạnh tay, do lạm phát tại đây hiện cao hơn. Điều này khiến đồng bảng càng hấp dẫn.
Yen Nhật hiện cũng tăng 0,23% lên 141,5 yen một USD. Đồng tiền này đã tăng giá 4% so với USD trong tháng này, nhờ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sớm bỏ chính sách lãi suất âm. Lãi suất tham chiếu kỳ hạn 1 năm hiện là -0,1%.
Hà Thu (theo Reuters)