Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới đây và nỗ lực của ngành ngân hàng, tính đến ngày 20/12, tín dụng đã tăng 10,85% so với thời điểm cuối năm 2022, theo thông tin được VTV đăng tải. Tuy mức tăng này hiện vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã có sự cải thiện đáng kể so với tháng trước.
Trước đó, thông tin đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 12 vẫn tăng chậm, cách xa mục tiêu cả năm đặt ra. Cụ thể, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Như vậy, chỉ trong 20 ngày của tháng 12/2023, tăng trưởng tín dụng tiến thêm 1,7%, tương đương với khoảng 202.700 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Nếu lấy mốc là ngày 13/12 thì đến 20/12, tức trong 7 ngày tăng trưởng tín dụng đã nhích lên 0,98%, tương đương 116.900 tỷ đồng vốn được bơm ra. Có thể thấy, càng về cuối năm, tốc độ giải ngân tín dụng càng tăng tốc.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, đến ngày 30/11/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đạt 3.402 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước đó.
Theo ông Lệnh, đây là một trong các tháng mà tín dụng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm (tháng 3/2023, tín dụng tăng 1,37%). Trước đó, tín dụng TP.HCM tăng 4,67% trong 10 tháng của năm 2023. Như vậy, 11 tháng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đạt 5,97%, vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành (đến cuối tháng 11/2023 tăng trưởng trên 9%).
Các nhận định đưa ra từ giới phân tích tài chính cho rằng, nếu tốc độ giải ngân tín dụng tiếp tục được duy trì trong những ngày còn lại của năm thì đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ đạt 12,4%.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho hay, trong tháng 12 tín dụng cải thiện dần, kể cả với nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân. Mặt bằng lãi suất cũng được các ngân hàng giảm dần.
Tại BVBank vừa triển khai gói vay 3.000 tỷ kích cầu tiêu dùng với lãi suất cực ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân để tiếp tục hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay giai đoạn cao điểm cuối năm.
Thậm chí, các ngân hàng tung chiêu lãi suất cho vay 0% hay tín chấp qua thẻ tín dụng để hút khách vay như: VPBank sẽ cung cấp giải pháp quản trị dòng tiền dành cho doanh nghiệp thông qua bộ đôi Thẻ ghi nợ và Thẻ tín dụng VPBiz. Với giải pháp này, khách hàng có cơ hội tận dụng nguồn vốn dành cho hoạt động kinh doanh với hạn mức lên đến 10 tỷ đồng miễn lãi suất trong 45 ngày.
VCBS cho rằng, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết tính đến cuối quý III năm nay đã giảm khoảng 0,6% so với mức đỉnh vào quý đầu năm, nhưng nếu so với đáy ghi nhận vào cuối năm 2021 thì vẫn cao hơn khoảng 1,6%.
Dù lãi suất cho vay mới giảm, mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay hiện hữu theo tính toán của công ty chứng khoán vẫn trên 10%/năm do có độ trễ từ 3 - 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề.
Tuy nhiên, VCBS dự đoán mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-1,5% trong năm tới. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về tín dụng, các chuyên gia MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13-14% trong 2024 nhờ tăng trưởng GDP đang thể hiện xu hướng tích cực, lãi suất cho vay giảm mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, 10/2023/NĐ-CP với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tín dụng cho thị trường này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1403 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Tại Công điện này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khả thi, khoa học, đúng quy định, sát tình hình, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng… trong việc tăng trưởng tín dụng.
Thủ tướng cũng đề nghị bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm hoặc tăng trưởng tín dụng không lành mạnh, phục vụ lợi ích nhóm, sân sau...
Mới đây, NHNN cũng đã có quyết định cho phép các ngân hàng có dư nợ tín dụng đạt 80% room tín dụng được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Đồng thời, những ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và hạ lãi suất cho vay cũng sẽ được ưu tiên.