Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng tổng số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp, bổ sung vào nền kinh tế năm 2023 chỉ đạt khoảng 3,55 triệu tỉ đồng, giảm 25,3%, cho thấy dù niềm tin kinh doanh vẫn được duy trì nhưng người dân không còn mạnh dạn bỏ tiền đầu tư kinh doanh như trước.
Hơn trăm ngàn doanh nghiệp âm thầm rút lui khỏi thị trường
Quy mô doanh nghiệp thành lập mới ngày càng teo tóp, số vốn bình quân đăng ký thành lập mới của một doanh nghiệp trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 9,5 tỉ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ, có tới 144.400 doanh nghiệp thành lập mới quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng, chiếm 90,7% tổng số.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng kinh doanh trong năm 2023 khoảng 58.400 doanh nghiệp, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể thấy bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 có những gam màu sáng tối khác nhau.
Trong khi số doanh nghiệp thành lập mới, gia nhập thị trường tiếp tục tăng lên, số doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm trên thị trường vẫn âm thầm rút lui khỏi thị trường vì những khó khăn cả trong và ngoài nước đều lập kỷ lục.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2023 có gần 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 13.400 doanh nghiệp.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết trong số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2023 có khoảng 89.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 65.400 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và khoảng 18.000 doanh nghiệp giải thể.
DN thành lập mới | DN quay trở lại hoạt động | DN tạm ngừng kinh doanh | DN chờ giải thể | DN giải thể | |
---|---|---|---|---|---|
Năm 2018 | 131.300 | 34.000 | 90.600 | 63.500 | 16.300 |
Năm 2020 | 134.900 | 41.100 | 46.600 | 37.700 | 17.500 |
Năm 2022 | 148.500 | 59.800 | 73.800 | 50.700 | 18.600 |
Năm 2023 | 159.200 | 58.400 | 89.000 | 65.400 | 18.000 |
Người dân, doanh nghiệp chưa sẵn sàng 'bung tiền' sản xuất kinh doanh?
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng bức tranh doanh nghiệp năm 2023 cho thấy dù chúng ta giữ được một số ổn định vĩ mô, tạm "lách qua" khe cửa hẹp để thoát khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước, nhưng đây vẫn là một năm cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp nội địa.
Vì những khó khăn chung của nền kinh tế, cùng với môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, thuận lợi nên tâm lý lạc quan, tự tin của nhà đầu tư trong nước vẫn rất hạn chế, vị chuyên gia này khẳng định.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần nhìn vào số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đặc biệt nhóm doanh nghiệp có thời gian đầu tư sản xuất kinh doanh lâu năm rút khỏi thị trường, có vốn lớn, tạo nhiều việc làm.
Còn về số doanh nghiệp thành lập mới tăng, TS Việt cho hay có 2 nguyên nhân, đó là số hộ kinh doanh trước đây cần làm ăn chính thức, được yêu cầu chuẩn hóa đầu ra, đầu vào hóa đơn chứng từ nên chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trước đòi hỏi mới, những cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, thị trường thương mại điện tử cũng phải đăng ký kinh doanh.
Đa phần các doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ nên số vốn đăng ký mới khá nhỏ bé, nên lượng vốn bơm vào nền kinh tế không nhiều. Trong khi số doanh nghiệp thành lập mới trong các lĩnh vực sản xuất không những không tăng lên mà số rút lui khỏi thị trường khá nhiều trong năm 2023, ông Việt nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm năm 2023 người dân, doanh nghiệp đang ở trong tình trạng khó khăn, lợi nhuận bị bào mòn dẫn tới tâm lý phòng thủ, gửi tiền tiết kiệm và đầu cơ vào một số loại tài sản.
Người dân, doanh nghiệp chưa sẵn sàng bung tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh hay đầu tư mạo hiểm.
Con số này gần gấp đôi so với số doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời gian. Càng về cuối năm, số doanh nghiệp không trụ nổi do kinh tế khó khăn càng tăng lên.