Thông tin trên được ông Kiên chia sẻ tại hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Duyên Hải (Cần Giờ) 45 năm sáp nhập TP.HCM, tổ chức chiều 28-12.
Cần Giờ định hướng TP tăng trưởng xanh
Ông Kiên cho rằng những thành tựu mà huyện Cần Giờ đạt được trong thời gian qua là to lớn, nhưng những việc chưa làm và sẽ làm trong thời gian tới còn lớn hơn, bởi Cần Giờ có nhiều tiềm năng và thế mạnh cần được khơi dậy và phát triển.
Vừa qua trung ương và TP.HCM đã triển khai xúc tiến các công trình dự án mang tính chiến lược như khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, cầu Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nhưng mục tiêu lớn nhất của TP là làm cho nhân dân huyện Cần Giờ được hưởng lợi ích nhiều nhất, vươn lên thoát nghèo và có được môi trường sống tốt hơn.
Theo ông Kiên, Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, có rừng phòng hộ, có vai trò sinh thái quan trọng. Cần tập trung phát triển các loại hình kinh tế, du lịch làm sao để Cần Giờ trở thành viên ngọc sáng của TP.HCM.
Quá trình xây dựng và phát triển Cần Giờ phải kết hợp với việc bảo vệ và phát triển khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Và tính toán tới việc liên kết trong khu vực, kết nối với các tỉnh lân cận.
“Con đường phía trước mở ra cho chúng ta nhiều thời cơ cùng những khó khăn, thách thức, đòi hỏi chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ phải chủ động, năng động, sáng tạo hơn nữa. Phát huy thành tựu đạt được từ 45 năm qua tạo chuyển biến toàn diện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Kiên nhấn mạnh.
Lãnh đạo HĐND TP cho biết chính quyền và nhân dân TP sẽ luôn đồng hành xây dựng huyện Cần Giờ, chung tay góp sức để đạt mục tiêu phát triển Cần Giờ trở thành một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.
Trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mục tiêu hàng đầu, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, đời sống nhân dân được nâng cao, bộ máy chính quyền địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Phát triển kinh tế song song bảo tồn văn hóa
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết sau 45 năm, kinh tế huyện Cần Giờ không ngừng tăng trưởng. Cuộc sống của người dân và tình hình nông thôn huyện Cần Giờ có những thay đổi tích cực.
Đến nay, Cần Giờ đã có đường nhựa rộng lớn nối liền về TP và các xã (trừ xã Thạnh An). Lưới điện quốc gia đã phủ toàn huyện, kể cả xã Thạnh An, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Hệ thống giáo dục, hệ thống y tế từng bước được đảm bảo.
Đặc biệt rừng Sác Cần Giờ trở thành rừng bảo tồn cấp quốc gia và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, đang lập hồ sơ đề cử công nhận khu Ramsar…
“Những thành tựu trên chặng đường 45 năm có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lý, hợp tình, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo trung ương và TP.HCM. Cạnh đó là kết hợp phát huy sức sáng tạo của nhân dân Cần Giờ, sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển”, ông Hồng nói.
Cần Giờ đang phát triển theo quan điểm phải đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao chất lượng sống của người dân… Do đó, trong thời gian tới TP.HCM cần hỗ trợ huyện thực hiện nhiều nội dung.
Trong đó có hỗ trợ Cần Giờ bảo vệ nghiêm ngặt, chăm sóc, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, đô thị. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Công trình đền tưởng niệm Rừng Sác mang ý nghĩa lịch sử văn hóa sâu sắc vừa góp thêm một địa chỉ đỏ, hứa hẹn là điểm đến du lịch văn hóa của du khách khi đến với Cần Giờ.