Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Bùi Thế Anh - khoa tai, phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học - đào tạo, Bệnh viện Tai mũi họng trung ương - cho hay thủng màng nhỉ là dấu hiệu thường gặp trên bệnh nhân mắc viêm tai giữa mãn tính.
Lỗ thủng màng nhĩ có thể gây nhiều khó chịu cho người bệnh như giảm sức nghe, tai bị ù. Bên cạnh đó, lỗ thủng còn có thể gây ra tình trạng chảy mủ tai nếu không may bị nước vào tai. Chính vì vậy, tùy vào từng tình trạng bệnh nhân, các y bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp, trong đó có phẫu thuật vá màng nhĩ.
Hiện nay, tại Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, vá màng nhĩ là một trong các phẫu thuật được thực hiện thường quy.
"Phẫu thuật này có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi hỗ trợ hoặc phẫu thuật mở dưới kính hiển vi. Việc mổ nội soi hay mổ mở sẽ căn cứ vào các yếu tố như mức độ viêm, vị trí và kích thước lỗ thủng,…
Theo đó, tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phẫu thuật phù hợp, đem lại hiệu quả cao về điều trị cũng như đảm bảo thẩm mỹ", bác sĩ Thế Anh thông tin.
Theo bác sĩ Thế Anh, phẫu thuật vá màng nhĩ là phẫu thuật tương đối an toàn, ít tai biến. Một số nguy cơ tai biến có thể xảy ra nhưng tỉ lệ thấp như chảy máu vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, liệt dây thần kinh số 7, chóng mặt sau mổ.
Tỉ lệ thành công của phẫu thuật vá màng nhĩ khá cao, khoảng 90%-95%. Nghĩa là có một tỉ lệ nhỏ người bệnh sau phẫu thuật thì màng nhĩ bị thủng lại, chức năng nghe cải thiện ít, vẫn có triệu chứng ù tai xuất hiện.
Đặc biệt, đối với bệnh nhân vá màng nhĩ lần thứ hai sẽ đòi hỏi bác sĩ có kỹ thuật, chuyên môn cao hơn. Đồng thời, việc hồi phục sẽ có thể không đạt tỉ lệ cao như phẫu thuật lần đầu.
"Để giảm thiểu các nguy cơ thủng lại màng nhĩ sau khi đã vá, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ trước và sau khi phẫu thuật. Người bệnh cũng cần tuân thủ đúng và đủ các hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật, tái khám định kỳ theo lịch của bác sĩ để tránh các nguy cơ biến chứng.
Đặc biệt, với bệnh nhân viêm tai giữa cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tái mắc, gây biến chứng lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sĩ Thế Anh khuyến cáo.
Trong 4 năm (2019 - 2023), Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tiếp nhận 41 ca cốt tủy viêm xương, trong đó năm 2022 sau đại dịch COVID-19 nhiều nhất với 22 ca. Nhiều ca trong số này không cấy ra vi trùng, có 6 ca tử vong.