Gia đình Meghan Campbell chấp nhận đóng cửa cơ sở sản xuất sữa vào năm 2019 - thời điểm đợt hạn hán kéo dài tại Úc đạt đỉnh. Bang New South Wales, năm thứ hai liên tiếp, đã không thể phân bổ nước tưới cho hầu hết nông dân vùng Murray này.
Khô hạn khiến giá nước trung bình của Murray-Darling tăng 139% trong năm qua lên 360 USD/megalit. Gia đình Campbell vẫn đang chật vật trả khoản nợ từ đợt khô hạn cuối cách đây 1 thập kỷ và hiện tại, cần vay hơn 500.000 USD chỉ để mua nước. “Chúng tôi không ngờ được rằng có ngày nước bị lấy hết đi”, Meghan Campbell nói.
Tại Úc, hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. 30 năm đã được dành ra để giới chức nước này xây dựng riêng một hệ thống giao dịch nước tiên tiến bậc nhất, từ đó đáp ứng nhu cầu của người dân.
Vào năm 2019, khi giá nước tăng vọt, nông dân trồng các loại cây trồng theo mùa như lúa mạch, gạo và rau được khuyến khích bỏ hoang ruộng và bán nước cho các trang trại sản xuất rượu vang, trái cây và các loại hạt. Những loại cây lâu năm này đòi hỏi hoạt động đầu tư lớn và tưới nước nhiều quanh năm, nếu không cây và dây leo sẽ chết.
Tuy nhiên, hệ luỵ để lại là vô kể. Nhiều địa phương chứng kiến nguồn nước của mình biến mất, nền kinh tế trang trại thoái trào trong khi môi trường sống héo khô.
“Lòng tham và quyền lực đã tạo ra hệ luỵ này”, Michael Kennedy, hiện đang sinh sống tại Wilcannia, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất lưu vực sông Murray-Darling, cho biết.
Khu liên hợp nông-công nghiệp ở hai đầu lưu vực sông Murray-Darling đang ‘hút cạn’ nước và sự thịnh vượng. Ở đầu phía bắc, dọc theo các nhánh sông Darling, các ông trùm bông đã xây dựng một hệ thống chuyển nước từ vùng ngập lũ vào cánh đồng hoa màu, từ đó kiếm tiền từ những mùa màng bội thu.
Trong khi đó, ở đầu phía nam, giới đầu tư giàu có hút đủ nước từ sông Murray để tăng gấp 3 lần diện tích trồng hạnh nhân sinh lợi cao chỉ trong 15 năm. Các công ty thủy lợi tư nhân trung gian thì phần lớn thoải mái sử dụng nước mà không quan tâm hệ luỵ đè lên vai người nông dân và cộng đồng.
Theo Bloomberg, các công ty vùng hạ lưu đã bán ròng 576 gigalit nước. Quá trình khai thác đã làm mất đi dòng chảy tự nhiên của sông Darling, biến những khúc sông dài 1.500km trước đây trở thành từng vũng nước nhỏ.
Roger Knight, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận phát triển kinh tế ở thị trấn Barham, trung tâm sông Murray, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy như mình đã chết. Rất nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa”.
Được biết trong suốt nhiều năm, lưu vực sông Murray-Darling đã tưới tiêu cho hàng loạt trang trại. Lượng mưa không ngừng biến động tại một quốc gia khô hạn như Úc, song lưu vực sông khổng lồ này đã tạo ra nguồn lương thực dồi dào cho lục địa 27 triệu dân.
Vào những năm 1980, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu tìm cách bảo tồn nước và vùng đất ngập nước, đồng thời hướng các nguồn tài nguyên khan hiếm đến nơi mà các nhà kinh tế cho là “sẽ được sử dụng hiệu quả”. Để đạt được điều đó, vào năm 1983, Úc bắt đầu cho phép nông dân bán quyền sử dụng nước – tạm thời hoặc mãi mãi – mà không cần bán đất. Công cuộc này mang lại lợi ích cho những người nông dân muốn tiền mặt, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế Úc.
Vào những năm 1990, Úc đối mặt với tình trạng khai thác nước quá mức. Chính quyền các bang sau đó phải giới hạn lượng nước rút khỏi Lưu vực. Các khoản vượt mức phải được hoàn trả lại cho dòng sông.
Ba thập kỷ sau, nông dân trồng nho phía Nam có thể đặt mua 5 megalit nước trên điện thoại di động. Nếu thiếu thị trường này, Úc không bao giờ có thể huy động đủ hệ thống tưới tiêu để chuyển đổi sản lượng nông nghiệp quốc gia và trở thành nước xuất khẩu lương thực lớn thứ 9 thế giới. Kể từ năm 1990, giá trị xuất khẩu nông sản của Úc đã tăng gấp 6 lần, lên mức kỷ lục 78,1 tỷ đô la Úc vào năm 2022.
Theo: Bloomberg