Giới chuyên gia nhận định đang có một làn sóng đầu tư FDI mới vào Việt Nam giống như năm 2008, thời kỳ Việt Nam vừa gia nhập WTO. Nhưng để thành công với làn sóng FDI mới này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần những giải pháp hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước vươn lên, hợp tác cùng "ông lớn" FDI, hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ trong dài hạn.
Đón sóng FDI mới
Bên cạnh những nỗ lực trong thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong những năm qua, giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự dịch chuyển của dòng FDI toàn cầu những năm gần đây, đặc biệt là cú huých nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ vào tháng 9-2023 đã đưa Việt Nam trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn với dòng vốn FDI toàn cầu.
Trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 36,6 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô từ vài trăm triệu đến hàng tỉ USD.
Đáng lưu ý là những dự án: Đầu tư nhà máy nhiệt điện Thái Bình, vốn đăng ký đầu tư 1,99 tỉ USD; dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Quảng Ninh, vốn đăng ký đầu tư 1,5 tỉ USD.
Dự án Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking mua cổ phần Ngân hàng VPBank trị giá 1,5 tỉ USD. Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng tăng vốn đầu tư 1 tỉ USD. Dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh, sản xuất máy tính, vốn đầu tư 690 triệu USD. Và dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian, tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư 621 triệu USD.
Số vốn giải ngân FDI trong năm 2023 cũng rất ấn tượng, đạt khoảng 23,1 tỉ USD, cao hơn nhiều năm gần đây.
Nhận định về dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), cho rằng cú huých nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam.
Cụ thể, tháng 9-2020 có 52 tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Dòng vốn FDI từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam năm 2023 cũng tăng so với nhiều năm trước, đạt khoảng 626 triệu USD.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ châu Âu cũng tăng lên trong năm 2023, đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức lần đầu tiên đầu tư khoảng 366 triệu USD vào Việt Nam, tăng mạnh so với năm 2022.
Theo ông Toàn, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao.
Dù việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1-1-2024 làm mất lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI, nhưng nó cũng mang lại những lợi ích cho Việt Nam, giúp giải quyết được câu chuyện chuyển giá trong hoạt động đầu tư FDI. Để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư để giữ chân các "ông lớn" FDI, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới trong năm 2024.
Muốn vậy, chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải làm tốt hơn, và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Về xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam, ông Toàn dự báo năm 2024 mới là "chân sóng" của đầu tư FDI vào Việt Nam, nên Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn đầu tư FDI hiệu quả.
Đặc biệt, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn hiện nay.
Làm gì để tận dụng hiệu quả đầu tư FDI?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Hùng Tiến, phó giám đốc Viện FNF Việt Nam, cho biết nếu Việt Nam muốn tiệm cận đến khâu R&D (nghiên cứu và phát triển) thì phải có những điểm rất hấp dẫn đặc biệt để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.
Trong thu hút đầu tư FDI của Việt Nam vẫn dựa trên các lợi thế đầu vào như: giá nhân công, giá điện, nước thấp hơn, ưu đãi thuế, chứ không phải bằng những khoản hỗ trợ bằng tiền mặt như chính phủ một số nước châu Âu đã bỏ ra 3 - 5 tỉ euro để thu hút các tập đoàn bán dẫn lớn như Intel.
Thực tế, đến nay chúng ta mới chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp bán dẫn đầu tư vào Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM, quy mô đầu tư các dự án còn hạn chế từ vài trăm triệu đến vài tỉ USD. "Nó cho thấy trình độ các dự án FDI bán dẫn đầu tư vào Việt Nam chưa phải cao, chỉ phù hợp với những dự án có công nghệ ở mức trung bình", ông Tiến nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024 và những năm tới phụ thuộc nhiều vào việc thực thi những cam kết của Mỹ trong nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Vừa qua, CEO của Tập đoàn Nvidia - tập đoàn bán dẫn hàng đầu Mỹ - đến Việt Nam bày tỏ mong muốn đầu tư là một chất xúc tác thụ động, còn tập đoàn này có thực sự đến Việt Nam đầu tư hay không sẽ phụ thuộc vào sự chủ động của Việt Nam. Ví dụ như chúng ta có kịp thời đào tạo đội ngũ nhân lực về khoa học tự nhiên như kỹ sư công nghệ, toán học để đáp ứng yêu cầu các ngành công nghệ mới.
Ông Tiến dự báo nếu Việt Nam kịp thời chuyển hướng trong đào tạo nguồn nhân lực thì năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao vào Việt Nam.
Cũng quan điểm này, ông Toàn nhận định năm 2024 với Việt Nam là thời cơ mới, bước ngoặt mới để tăng cả về số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI. Vấn đề đặt ra là tận dụng tốt lợi thế của dòng vốn FDI như các nước Trung Quốc, Hàn Quốc từng làm để vươn lên thành nước phát triển.
Muốn làm được điều này, theo ông Toàn, cần thực hiện nhiều giải pháp như: sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp FDI công nghệ cao bằng tiền mặt, thông qua phát triển hạ tầng; hoặc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của doanh nghiệp FDI; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn.
Ông Toàn cũng cho rằng chiến lược thu hút đầu tư FDI những năm tới cần tập trung, có trọng điểm hơn. Ngoài tập trung các đối tác truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, cần tập trung vào các thị trường Mỹ, EU để thu hút dòng vốn chất lượng cao.
Từ thực trạng tính lan tỏa của đầu tư FDI những năm qua còn thấp và quan niệm chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi làm phụ trợ cho các tập đoàn công nghệ FDI, một chuyên gia kinh tế cho rằng cần thay đổi quan niệm này.
Chính phủ cần có những giải pháp để hỗ trợ các tập đoàn lớn trong nước lập ra các công ty con để làm phụ trợ cho các tập đoàn công nghệ FDI. Đây là giải pháp cần thiết để nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam lên, để doanh nghiệp Việt Nam bắt tay bình đẳng với các doanh nghiệp FDI, như vậy mới tiếp thu được công nghệ cao từ FDI.
Và nếu các doanh nghiệp lớn trong nước như FPT, Vingroup, Viettel hợp tác với các tập đoàn FDI thì vị thế sẽ khác. Bởi các tập đoàn này đã có nền tảng công nghệ, có vốn, có thương hiệu để hỗ trợ các công ty con hợp tác với các tập đoàn FDI. Như vậy, các doanh nghiệp phụ trợ trong nước mới có thể tham gia vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị của các tập đoàn công nghệ FDI. Quá đó nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam lên, thực tế các trường hợp hợp tác như Trường Hải, Thành Công trong sản xuất, lắp ráp ô tô đã chứng minh thành công cho xu hướng này.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị trong chiến lược thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cần học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, song song với việc khuyến khích doanh nghiệp FDI mở các trung tâm R&D tại Hàn Quốc thì họ cũng thúc đẩy mở trung tâm R&D trong nước.
Vừa rồi, Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc (Hà Nội), mô hình này cần được nhân rộng tại các tỉnh, thành phố để hình thành các vườn ươm công nghệ, trung tâm R&D trong nước ở từng lĩnh vực cụ thể. Như vậy, sẽ xây dựng được các thương hiệu riêng cho Việt Nam, hợp tác với nhà đầu tư FDI cũng thuận lợi hơn.
Hơn nữa, cần sớm hình thành thị trường công nghệ, lâu nay chúng ta vẫn có những phát minh, sáng kiến công nghệ nhưng giá quá rẻ. Cần tạo lập thị trường công nghệ để các nhà nghiên cứu, các trường đại học, các viện nghiên cứu có đầu ra rõ ràng, minh bạch.
* Ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Sẽ có những tập đoàn bán dẫn hàng đầu đầu tư vào Việt Nam trong năm 2024
Vừa qua, ông John Neffeur, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ, như: Intel, Qualcom, Ampere, ARM… đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đặc biệt, ông Jensen Huang - chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia - cũng tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đến việc đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, điều này thể hiện qua việc các tập đoàn bán dẫn lớn nhất của Mỹ đã đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, khả năng hợp tác với Việt Nam.
Dự kiến trong năm 2024, sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán dẫn Mỹ và các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan sẽ tới Việt Nam để tìm hiểu và ký kết các hợp tác đầu tư cụ thể. Dự kiến sẽ có những doanh nghiệp bán dẫn lớn từ các quốc gia, nền kinh tế này vào Việt Nam đầu tư vào các công đoạn chính trong sản xuất chip như: đóng gói, kiểm thử, thiết kế chip.
Hiện các đối tác này đang đàm phán với Việt Nam về các chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Pháp luật của chúng ta đã có những cơ chế ưu đãi cao nhất cho các tập đoàn bán dẫn đến Việt Nam đầu tư, tuy nhiên những cơ chế này chưa vượt trội so với các quốc gia khác. Thời gian tới, sẽ có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, tháng 1-2024 là thời điểm áp thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư từ 750 triệu euro trở lên, vì thế vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành nghị định về việc lập gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI.
Như vậy, sau khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực thì các doanh nghiệp FDI đầu tư lớn vào Việt Nam sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi mới. Với các doanh nghiệp công nghệ cao về bán dẫn thì ngoài cơ chế hỗ trợ bình thường về hạ tầng họ cũng cần hỗ trợ bằng tiền mặt để đầu tư, chúng ta cũng đang chuẩn bị điều này.
* Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Vốn FDI vào Việt Nam năm 2024 sẽ tương đương hoặc cao hơn 2023
Năm 2023 dòng vốn đầu tư FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong tổng số 36,6 tỉ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 23,5 tỉ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Về dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất chất bán dẫn.
Do đó, Cục Đầu tư nước ngoài dự báo nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ duy trì đà tăng, đạt mức tương đương hoặc cao hơn năm 2023.
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức nhưng doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tin tưởng rót vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, trong đó Bình Dương đón nhận nhiều dự án lớn.