Trong kết luận thanh tra (KLTT) quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh ngày 25.12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra những sai phạm của Bình Phước trong việc cấp phép, giao đất cho chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời (ĐMT) ở Bình Phước.
Xây dựng nhà máy điện mặt trời trên đất rừng sản xuất
Theo KLTT, đối với diện tích 149,59 ha xây dựng nhà máy ĐMT Lộc Ninh 3, thời điểm thanh tra, Thủ tướng chưa có ý kiến đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 149,59 ha đất rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh quản lý, sử dụng sang đất công trình năng lượng, theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước.
Diện tích đất rừng sản xuất này cũng chưa được UBND tỉnh Bình Phước chuyển mục đích sử dụng, chưa cho Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 (Công ty Lộc Ninh 3) thuê đất.
Tuy nhiên, trong thời gian UBND tỉnh Bình Phước làm thủ tục điều chỉnh diện tích, vị trí xây dựng nhà máy..., Công ty Lộc Ninh 3 đã xây dựng nhà máy ĐMT trên diện tích 149,59 ha, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm tại luật Đất đai năm 2013.
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã để Công ty Lộc Ninh 3 sử dụng 149,59 ha đất rừng sản xuất để xây dựng nhà máy ĐMT, vi phạm quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất theo luật Đất đai năm 2013.
Tương tự, trong 240 ha đất xây dựng nhà máy ĐMT Lộc Ninh 4, Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 4 (Công ty Lộc Ninh 4) đầu tư xây dựng thì có 63 ha chưa được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê đất. Đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm theo luật Đất đai năm 2013.
Theo báo cáo giải trình của UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Lộc Ninh 3 và Công ty Lộc Ninh 4 vào tháng 6.2022 và chủ đầu tư dự án đã nộp tiền xử phạt theo quyết định.
Khởi công khi chưa được cấp phép xây dựng
Cũng theo kết luận TTCP, UBND tỉnh Bình Phước đã ra văn bản ngày 3.10.2019 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho các chủ đầu tư dự án nhà máy ĐMT được triển khai thi công một số hạng mục của dự án khi chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng.
Các chủ đầu tư dự án nhà máy ĐMT Lộc Ninh 3, nhà máy ĐMT Lộc Ninh 4, nhà máy ĐMT Lộc Ninh 5 đã khởi công xây dựng công trình khi chưa được bàn giao mặt bằng thi công, chưa được cấp giấy phép xây dựng là vi phạm luật Xây dựng.
Đến cuối năm 2020, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Lộc Ninh 4 và Công ty Lộc Ninh 5 nhưng không tiến hành kiểm tra thực địa, điều này cũng vi phạm luật Xây dựng.
Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, hầu hết các chủ đầu tư đã hoàn thiện, khắc phục các vi phạm này. Tuy nhiên, các vi phạm có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy ĐMT đạt ngày vận hành thương mại trước các mốc thời gian ngày 1.7.2019 và ngày 1.1.2021, để được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).
KLTT cũng nêu rõ, Công ty Lộc Ninh 3 đến thời điểm thanh tra vẫn chưa được cho phép chuyển mục đích sử dụng 149,59 ha rừng sản xuất, chưa được thuê đất nhưng đã xây dựng và vận hành thương mại ngày 24.12.2020.
Theo quy định thì không đáp ứng đủ điều kiện để được áp dụng giá điện 7,09 UScent/kWh quy định tại Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các chủ đầu tư dự án, Sở Xây dựng và UBND tỉnh Bình Phước.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại KLTT; UBND tỉnh Bình Phước báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong việc chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 149,59 ha rừng sản xuất sang đất xây dựng công trình năng lượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; hoàn thiện hồ sơ quản lý đất đai, cho thuê đất theo quy định của pháp luật đối với 63 ha đất đã sử dụng xây dựng nhà máy ĐMT Lộc Ninh 4.