Ngày 29-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Tăng tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2023, toàn ngành đã tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Có thể kể đến như quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng, tín dụng, trái phiếu, chứng khoán…
Thanh tra Chính phủ cũng tập trung thanh tra vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có một số cuộc thanh tra chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng giao.
Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2024, Thanh tra Chính phủ sẽ bám sát định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng phê duyệt. Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra. Tăng tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Trung ương trong việc tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; phối hợp với địa phương trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp; đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự…
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành thanh tra có những chuyển biến rõ nét, nhất là giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Xử lý dứt điểm các tồn đọng, không để phát sinh vụ việc mới
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả toàn ngành thanh tra đã đạt được trong năm 2023. Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đã triển khai một số cuộc thanh tra đột xuất có tính chất phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm. Qua đó, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo thẩm quyền nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thu hồi tiền và tài sản cho Nhà nước.
Ngành cũng đã nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra.
Công tác đôn đốc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra có chuyển biến tích cực, kết quả thu hồi tài sản với tỉ lệ cao hơn năm 2022. Cạnh đó, ngành đã hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, TP”.
Thanh tra Chính phủ cũng xử lý kịp thời, không để xảy ra chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến rõ nét, nhất là giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra phải tập trung thực hiện Luật Thanh tra năm 2022; bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp.
“Khẩn trương triển khai định hướng kế hoạch thanh tra năm 2024 theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngành thanh tra cần triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.
“Tinh thần là phải xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, không để phát sinh các vụ việc mới” - Phó Thủ tướng nói.
Chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ
Năm 2023, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỉ đồng, 616 ha đất. Kiến nghị thu hồi 188.607 tỉ đồng và 166 ha đất. Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 69.096 tỉ đồng, 451 ha đất…
Đáng chú ý, ngành thanh tra đã chuyển 497 vụ/490 người sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Thành lập Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức
(PLO)- Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra địa bàn trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức.