Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý IV ước giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung cả năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%.
Như vậy, quý IV ghi nhận 3 quý liên tiếp doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm.
Doanh thu phí bảo hiểm được công bố định kỳ hàng quý, lần đầu trong báo cáo của Tổng cục Thống kê vào năm 2016. Từ đó đến hết năm ngoái, chỉ tiêu này luôn tăng trưởng ở mức 2 chữ số, ở mức 17-22%. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm lần đầu tiên vào quý II vừa rồi, và đến hết quý III và gần nhất là quý IV vẫn chưa thể phục hồi.
Cụ thể, quý đầu năm, chỉ tiêu này vẫn tăng trưởng 6,8% nhưng đến quý II quay đầu giảm 3,1% và quý III giảm 10,4%.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung chứng kiến sự suy giảm đáng kể sau những lùm xùm xảy ra hồi đầu năm liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Năm ngoái, Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm BIDV Metlife, Sun Life, MB Ageas và Prudential. Các doanh nghiệp này mắc các vi phạm chủ yếu là bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.
Một số vi phạm điển hình như nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu theo quy định. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đảm bảo chất lượng tư vấn, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm.
Năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ.
Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Quản lý Giám sát bảo hiểm - trong họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính hồi tháng 10 - cho biết đã thanh tra xong AIA, Dai-ichi, đang làm với Manulife, FWD và dự kiến thanh tra 6 doanh nghiệp khác trong quý IV.