Dữ liệu được công bố từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, đồng đô la Mỹ chiếm 59,2% dự trữ của ngân hàng trung ương toàn cầu trong quý III/2023, giảm từ mức 59,4% trong quý II/2023 và là mức thấp nhất kể từ quý IV năm ngoái.
Mặc dù vậy, đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, xếp sau đó là đồng euro khi tỷ trọng của đồng tiền này giảm từ 19,7% xuống 19,6%.
Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ của đồng yên tăng từ 5,3% lên 5,5%. Các đồng tiền dự trữ lớn tiếp theo là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, bảng Anh, đô la Canada và đồng franc Thụy Sĩ với tỷ trọng ít thay đổi.
Có thể thấy, vị thế của đồng đô la Mỹ đang giảm dần trong dài hạn. Mặc dù tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng đô la Mỹ dao động khoảng 59% trong vài năm qua, nhưng tỷ lệ này đã giảm so với mức hơn 60% một thập kỷ trước và khoảng 70% vào năm 2000.
Đồng thời, các tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ đang dần làm giảm sức ảnh hưởng của đồng bạc xanh, khi Trung Quốc tìm cách nâng đồng tiền của mình lên thành một đồng tiền thay thế quốc tế.
Trên thực tế, ngay cả khi tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng nhân dân tệ vẫn ổn định thì việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán vẫn tăng lên. Theo dữ liệu từ Hệ thống tài chính SWIFT, tỷ trọng thanh toán quốc tế của đồng nhân dân tệ đã đạt mức cao kỷ lục và trở thành loại tiền tệ được sử dụng nhiều thứ tư vào tháng 11/2023.
Ngoài ra, hoạt động cho vay bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới cũng tăng vọt, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nắm giữ hơn 30 giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương nước ngoài, như Ả Rập Xê Út và Argentina.
Các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây lên Nga cũng đã thúc đẩy nhiều quốc gia phi đô la hóa hơn và giảm bớt khả năng bị tổn thương trước bất kỳ hành động tiền tệ nào.
Các quốc gia BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã cho biết, họ có ý định thách thức sự thống trị đồng đô la khi ngày càng tăng số lượng quốc gia thành viên từ các nền kinh tế mới nổi.
Đầu tháng này, Nga cho biết nước này và Trung Quốc gần như đã loại bỏ hoàn toàn đồng đô la Mỹ khỏi thương mại song phương khi chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp.
Bất chấp sự xói mòn dần dần sự thống trị của đồng đô la, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng việc phi đô la hóa toàn diện vẫn khó xảy ra.
“Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, kể cả khi Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030, thì sự thống trị của đồng đô la vẫn có thể tiếp tục tồn tại cho đến nửa sau thế kỷ 21”, các chiến lược gia của JPMorgan cho biết.