Thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần. Theo ghi nhận của phóng viên, nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các siêu thị, chợ đầu mối, kho hàng, trên địa bàn Nghệ An giá cả ổn định, hàng hoá phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Để kích cầu tiêu dùng, một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối đã triển khai sớm các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, người dân đang có xu hướng mua sắm tập trung vào các mặt hàng thực sự thiết yếu.
Phía Sở Công Thương Nghệ An xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung - cầu trong dịp tết Nguyên đán sắp tới gồm: thực phẩm tươi các loại, bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, xăng, dầu… Hiện nay, các nhà phân phối hàng hóa và các chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ ổn định vào dịp Tết. Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Nghệ An đang đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung ổn định hàng hóa thực phẩm cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng có kế hoạch triển khai nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, ngành công thương đã kết nối với nhiều địa phương khác để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là những đơn vị nằm trong chuỗi cung hàng hóa cho tỉnh. Sở đã làm việc với các doanh nghiệp, đa số đã có những cam kết giữ giá bình ổn trong tháng Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán.
Phía ngành công thương cũng đã rà soát nguồn hàng cung ứng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cụ thể: hơn 75 tấn gạo, hơn 19,4 tấn thịt lợn; hơn 11,4 tấn thịt bò; 13,5 tấn thịt gia cầm; 63,7 tấn rau, củ, quả; 13,6 tấn thủy, hải sản; hơn 10 tấn thực phẩm chế biến; 15,2 tấn hoa quả; 3,3 tấn bánh, mứt, kẹo; gần 6,8 triệu lít dầu ăn; hơn 292 triệu lít bia, rượu, nước giải khát…
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, theo báo cáo của các nhà cung cấp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã chủ động có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán 2024.
Trong quý I/2024, các thương nhân có kế hoạch dự trữ khoảng 210.000 m3, trong đó các thương nhân đầu mối gồm Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh khoảng 25.000 m3 và các thương nhân phân phối như Công ty CP Kinh doanh Tổng hợp Đô Lương 4.200 m3, Công ty CP Hàng Hải Phúc An khoảng 3.630 m3, Công ty TNHH Lưu Nga 1.505 m3...
Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp Tết chủ yếu ở các kênh cơ bản bán hàng truyền thống: gồm 27 trung tâm thương mại; hệ thống siêu thị, hệ thống chợ, hơn 600 cửa hàng tiện lợi, hơn 3.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cùng với đó là các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Hiện, sở Công Thương cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính. Có phương án chủ động đối phó với các biến động thị trường bất thường; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thuộc ngành quản lý trên địa bàn. Đảm bảo cung ứng điện và xăng, dầu phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
Minh Tâm - Hà Hằng