Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, đại diện các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu…
Ngành ngân hàng VIệt Nam nỗ lực trong chuyển đổi ESG
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, Bộ chỉ số ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vừa phải thận trọng nhưng cũng phải khẩn trương để góp phần thực hiện hiện các cam kết của Chính phủ tại COP26 Việt Nam. Ngành Ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro tín dụng. Chính vì vậy, ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG, tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Có thể thấy, phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh như công tác triển khai, thẩm định những tác động môi trường, các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư, quản trị, đánh giá rủi ro ESG, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG… Việc thực thi ESG mang yếu tố sống còn và cần được hành động ngay, không thể chậm trễ hơn.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, từ năm 2015, NHNN đã đặt ra vấn đề về ESG trong Chỉ thỉ số 03 về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản trị rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và mới nhất là Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Văn bản hướng dẫn của NHNN đã dần mang tính pháp lý nhiều hơn để phù hợp với quy định của pháp luật, hướng hoạt động của tổ chức tín dụng tiệm cận gần hơn thông lệ quốc tế; ngày càng thể hiện nhiều hơn trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với các vấn đề về xã hội, môi trường. Qua quá trình theo dõi, các tổ chức tín dụng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Các diễn giả tham gia thảo luận
TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN phân tích, động lực để các ngân hàng tích cực thực thi ESG đến từ nhiều yếu tố, từ việc các quy định về ESG có xu hướng ngày càng gia tăng; sự gia tăng trong nhận thức và mối quan tâm về các yếu tố ESG từ các bên liên quan đòi hỏi ngân hàng nắm bắt và quản lý các yếu tố “vô hình” trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh giúp đón đầu xu thế quốc tế, làm tăng lợi thế cạnh; quản trị ESG giúp gia tăng hình ảnh và phòng tránh các rủi ro danh tiếng; rủi ro ESG có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị tài sản, tình hình tài chính hoặc uy tín của ngân hàng nên thực thi ESG sẽ giúp quản trị được rủi ro.
Trình bày tham luận với chủ đề: “Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG) nhằm quản lý rủi ro và bảo toàn giá trị của cổ đông”, PGS., TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, ESG là vấn đề toàn cầu. ESG thể hiện nỗ lực của các công ty trong việc đánh giá, quản lý, giám sát một cách có hệ thống các rủi ro có tác động tiềm tàng, ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chiến lược về tài chính của công ty. Do vậy, ESG là một phần của chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp. ESG ngày càng trở thành công cụ bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu.
Là một trong số những ngân hàng đặt mục tiêu đứng đầu thị trường trong phát triển xanh, bền vững và thực hành ESG, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hướng tới sự phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốttrong hoạt động ngân hàng, đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển của BIDV. Năm 2022, BIDV đã thành lập Ban Quản lý dự án Tài chính bền vững. Năm 2023, BIDV đã kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tổng thể. Dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 73.000 tỷ đồng cho 1.500 khách hàng; phát hành thành công trái phiếu xanh khoảng 2500 tỷ đồng…
Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam thì đánh giá, việc thực thi ESG ở các ngân hàng còn non trẻ nhưng đang đi rất nhanh. Ngân hàng đã có cơ cấu quản trị ESG tổng thể; Chính sách về ESG đã kết hợp được nhiều yếu tố liên quan đến ESG, bao gồm chiến lược, cam kết, văn hóa lĩnh vực kinh doanh và các bên liên quan, nhưng chưa hình thành một khung thống nhất và tích hợp; Ngân hàng đã có khung quản lý rủi ro ESG, cơ chế công bố thông tin về các hoạt động liên quan tới ESG, cơ chế quản lý và kiểm soát dữ liệu ESG đã được xây dựng.
Các nhà khoa học, chuyên gia đều đánh giá việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và nỗ lực của chính các ngân hàng, mục tiêu ESG đặt ra tại các ngân hàng Việt Nam có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi của diễn giả tại phiên thảo luận đã kịp thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Hội thảo; đồng thời, gợi mở một số vấn đề mới về xu hướng triển khai ESG tại các ngân hàng ở Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu.
Đưa mục tiêu ESG trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển
Để các ngân hàng tích cực thực thi ESG trong thời gian tới, bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành ở Việt Nam cần tiếp tục đồng hành, phối hợp hài hòa trong xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh. Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để áp dụng chung nhằm đánh giá khi cấp tín dụng xanh.
Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương mong muốn, các khung khổ chính sách, hướng dẫn cho hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng xanh, bền vững tiếp tục hoàn thiện; xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để tạo sự khuyến khích; đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường – xã hội. Bên cạnh đó, BIDV cũng xác định công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục là mũi nhọn, ưu tiên xuyên suốt, hỗ trợ đắc lực trong lộ trình chuyển đổi xanh, bền vững và thực hành ESG của ngân hàng.
Trên cơ sở định hướng kinh doanh, nguồn lực và điều kiện của mỗi tổ chức tín dụng, các chuyên gia cho rằng, các tổ chức tín dụng cần chủ động tiếp cận, sớm có lộ trình áp dụng các chuẩn mực ESG; cần tạo lập phòng ban chuyên trách để chuyên môn hóa, đảm bảo chất lượng giám sát, đánh giá định kỳ. Đồng thời, việc áp dụng ESG cần được thực hiện có lộ trình để tạo điều kiện cho khách hàng chuyển đổi dần và tối ưu hóa lợi ích đôi bên.
Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, những nỗ lực tích cực và đồng bộ của các bên liên quan sẽ giúp ngành Ngân hàng Việt Nam dần khắc phục được các thách thức và đưa mục tiêu ESG trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển trong thập kỷ sắp tới. Với chiến lược có chủ đích và nỗ lực phối hợp, các ngân hàng có thể vượt qua những trở ngại để hoàn toàn tích hợp các yếu tố ESG như một ưu tiên cốt lõi trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
Hà My, ảnh: MT
Xem thêm: 154585VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www