Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện dịp cuối năm với ông Gil Shaki, người sáng lập InnoValue và giám đốc tăng trưởng tại Quỹ đầu tư Capital Nature, chuyên gia người Israel về thiết kế và thực hiện các chiến lược đổi mới quốc gia và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
* Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực và tiềm năng trong chuyển đổi xanh của Việt Nam trong thời gian qua?
- Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng đầu tư. Có những yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu dân, có thể trở thành trung tâm chuyển đổi năng lượng của khu vực.
Chất lượng tài năng của con người cũng rất cao. Tôi thấy rất nhiều người thông minh, những người trẻ được truyền cảm hứng.
Đồng thời, ngành công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng hội nhập nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam tại COP28 ở UAE vừa qua một lần nữa chứng minh cách thế giới nhìn nhận Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng.
Tôi tin rằng ngoài các mục tiêu về môi trường, còn có động lực kinh tế mạnh mẽ để các nước phát triển hợp tác với Việt Nam, khi họ nhận thấy hiệu quả kinh tế mạnh mẽ, tiềm năng và tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Vậy theo ông, Việt Nam sẽ đối diện với những thách thức gì trong quá trình chuyển đổi xanh? Ông có gợi ý gì để Việt Nam giải quyết những thách thức này?
- Thứ nhất là quy định về cách thức thực hiện chuyển đổi xanh. Chính phủ có thể sử dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt". Nhiều quốc gia Liên minh châu Âu đã cấm bán xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035 - một quy định rõ ràng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Cũng cần cân bằng giữa cây gậy và củ cà rốt với những viện trợ và khuyến khích.
Thứ hai là nguồn vốn, Việt Nam nên hành động để khai thác nguồn vốn từ trong nước và quốc tế. Nói về đầu tư tư nhân, tôi nghĩ rằng một điều quan trọng mà Chính phủ cần làm là kiến tạo một môi trường bền vững và không có sự bất ổn cho việc đầu tư.
Vai trò của Chính phủ là tạo ra khuôn khổ thuyết phục và khiến các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái, với các quyền lợi sẽ được đảm bảo trong một thời gian dài.
Thứ ba là vấn đề công nghệ. Một trong những thách thức lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu trong vấn đề chuyển đổi xanh là việc lưu trữ năng lượng. Chính phủ đóng vai trò quan trọng để tạo điều kiện cho sự phát triển công nghệ và sự chấp nhận của thị trường.
Quá trình chuyển đổi năng lượng mang đến cơ hội to lớn cho Việt Nam để dẫn đầu cuộc chơi theo nhiều cách. Tôi khuyến nghị Việt Nam nên tập trung khuyến khích đổi mới bền vững.
Khía cạnh xanh là người Việt Nam sẽ có chất lượng không khí và nước tốt hơn. Ngoài ra, nó cũng giúp củng cố vị thế cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thế hệ trẻ ngày nay nhạy cảm với sự nóng lên toàn cầu, vì vậy trong tiêu dùng, sản xuất có tính bền vững là yếu tố mà họ cân nhắc đến.
Tôi cho rằng đổi mới bền vững giúp tạo ra một hệ sinh thái start-up rất phát triển. Khi tham gia tọa đàm về phát triển hydro ở Việt Nam, tôi thấy rằng các nước đều chưa có các giải pháp lớn.
Việt Nam, như tôi đã đề cập, có rất nhiều người tài giỏi, hãy khuyến khích đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Bằng cách này, bạn có thể phát triển nhiều start-up mà một trong số họ có thể sẽ trở thành công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ.
* Israel có kinh nghiệm nào để chia sẻ với Việt Nam trong vấn đề này?
- Khi nói về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Israel là tâm điểm của rất nhiều công ty đa quốc gia trên toàn thế giới, đến thực hiện nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ mới, trong đó có chủ đề chuyển đổi năng lượng.
Sở dĩ có được điều này là nhờ những chính sách của Israel về khuyến khích đổi mới sáng tạo. Chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tôi khiêm tốn cho rằng Israel cũng có rất nhiều điều phải học từ Việt Nam. Chúng ta đang ở cùng một trang khi cố gắng xác định con đường chuyển đổi năng lượng phù hợp cho mỗi quốc gia, cũng như cách thức thực hiện nó.
Việt Nam - Israel đang kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, hai nước cũng vừa ký kết hiệp định thương mại tự do. Các doanh nhân và hệ sinh thái công nghệ Israel cũng rất tò mò và quan tâm hợp tác với Việt Nam. Họ thấy được tiềm năng từ nhân tài ở Việt Nam.
Tôi nghĩ nhiều phái đoàn nên đến đây hơn, kết hợp giữa các doanh nhân, học viện, các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư từ cả hai phía.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Trong năm 2023, Việt Nam đã thiết lập Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh với Singapore, Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg, Đối tác chiến lược xanh với Đan Mạch.
Hợp tác trong kinh tế xanh, chuyển đổi xanh cũng là nội dung chính được nhắc đến trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, cũng như các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh cam kết về chuyển đổi xanh khi Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP tại COP28, diễn ra ở Dubai vào tháng 12-2023.
Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã có chia sẻ với Tuổi Trẻ Online nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25 đến 26-10-2023, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.