Trả lời Hãng thông tấn RIA ngày 31-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Matxcơva sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm túc, để đáp trả việc Mỹ sắp triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất, vốn bị cấm theo quy định của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Theo ông Lavrov, việc Mỹ tạo thêm rủi ro tên lửa sẽ buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó nghiêm túc.
Đồng thời, ngoại trưởng Nga tuyên bố nếu Washington không thực hiện các động thái đặc biệt trong việc tạo áp lực và vũ lực lên Matxcơva, Nga sẽ không phải là nước đầu tiên triển khai các loại vũ khí vốn bị cấm theo INF.
Cũng trong cuộc phỏng vấn hôm 31-12 với Hãng thông tấn RIA, ông Lavrov nhận định mối quan hệ Nga - Mỹ đã đạt đến giới hạn mong manh do lỗi của Washington.
Trước đó hôm 22-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết thời điểm Matxcơva có thể đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung, tầm thấp ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương đã đến rất gần.
INF được Tổng bí thư Liên xô cũ Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ngày 8-12-1987 tại Nhà Trắng và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km).
Tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo loại tên lửa Novator 9M729. Đầu năm 2019, phía Washington cáo buộc Nga vi phạm INF và đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.
Tuy nhiên, Matxcơva đã ngay lập tức phủ nhận mọi cáo buộc của Mỹ ở thời điểm đó.
Đến tháng 7-2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật đình chỉ INF nhằm đáp trả động thái của Washington.
Cũng trong buổi phỏng vấn ngày 31-12 với RIA, ông Lavrov cho biết các tòa án Nga đã kết án tù hơn 200 binh sĩ Ukraine kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2-2022 đến nay.
Ngày 28-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mỹ đã truyền đạt thông qua các kênh ngoại giao rằng họ không muốn và sẽ không chiến đấu trực tiếp với Nga.