Báo cáo của JLL Việt Nam mới công bố cho thấy, nhiều đại gia F&B đang hào hứng thử nghiệm bán hàng lưu động mô hình take-away (mang đi), điều trước đây chỉ phổ biến ở các thương hiệu rất nhỏ, thậm chí vô danh.
Tính đến tháng 11/2020, khá nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng cũng đã bắt đầu tận dụng mô hình lưu động để tăng thị phần và thử nghiệm phản ứng của người dùng ở địa bàn mới. Thương hiệu cà phê Highlands gần đây đã triển khai mô hình xe đẩy di động chỉ phục vụ mang đi và đặt trước các tòa nhà lớn. Các món nước tại xe đẩy có giá mềm hơn trong cửa hàng và cũng được phục vụ nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, thương hiệu cà phê Ông Bầu dù phát triển chuỗi lên đến 200 quán với tốc độ nhanh, đã hiện diện ở nhiều mặt bằng đắc địa trên đất vàng Sài Gòn, cũng xuất hiện mô hình xe đẩy dưới các tòa nhà văn phòng hoặc khu dân cư sầm uất tại TP HCM.
Một thương hiệu nổi tiếng khác chuyên về gà rán và pizza cũng đã mở rộng dịch vụ sang mô hình container đặt dưới các khu dân cư mới hoặc những chung cư cao tầng quy mô hàng nghìn người sinh sống.
Nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cũng đã xuất hiện các gian hàng pop-up, dưới dạng kiosk đặt ngay tại sảnh mua sắm. Chủ nhà hàng thích sáng tạo với những ý tưởng mới mẻ và ngân sách hạn chế có thể áp dụng mô hình này như một cách để thử thị hiếu các món ăn. Họ không cần bỏ ra các loại chi phí truyền thống cho đến kh sẵni sàng mở cửa nhà hàng. Trung tâm thương mại cũng hưởng lợi từ làn gió mới đến từ các thương hiệu trẻ và sáng tạo, cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm đa dạng và liên tục thay đổi.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam nhận định đây là một phương án ngắn hạn để các đơn vị F&B thử nghiệm ở những thị trường mới, cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng thích khám phá những trải nghiệm mới mẻ. Bên cạnh đó, bán hàng lưu động còn giúp các nhà kinh doanh F&B tiết kiệm được chi phí nhân công và đáng quan tâm nhất là giảm thiểu chi phí mặt bằng, vốn là một gánh nặng với kinh doanh ẩm thực.
Theo bà Trang, mô hình bán hàng lưu động xuất hiện đã phần lớn giải quyết được bài toán thời gian ít ỏi, khách hàng có thể mua ngay một cốc cà phê hay phần ăn nóng trong ngày mà không phải tìm đến những cửa hàng xa nơi làm việc. Lợi thế di động của mô hình này có thể trở thành bất lợi ngay khi mùa mưa đến, lúc mà khách hàng sẽ lựa chọn dịch vụ giao hàng trực tuyến hoặc ăn ở nhà/văn phòng. Tích hợp dịch vụ giao hàng bên cạnh take-away hoặc hợp tác với các đơn vị giao hàng trực tuyến sẽ mang đến đa dạng lựa chọn cho khách hàng, và đảm bảo lượng đơn hàng cho mô hình ẩm thực di động.
JLL dẫn lại một báo cáo về tiềm năng của mô hình này theo khảo sát hành vi tiêu dùng của Nielsen năm 2020 cho biết, người Việt ưa chuộng thực phẩm xuất xứ trong nước và an toàn cho sức khỏe, và nhu cầu này đã lên tăng sau đại dịch Covid-19. Mô hình ẩm thực lưu động luôn đổi mới được dự đoán thu hút nhóm khách hàng luôn tìm kiếm sự mới lạ nhưng vẫn phù hợp với cuộc sống bận rộn, như giới trẻ thuộc nhóm tuổi Millenial và Gen Z.
Ở nhiều nước phát triển hơn, ẩm thực lưu động đạt nhiều thành công nhất định, dù không hề có một mặt bằng ổn định. Chủ quán thông báo địa điểm họ sắp đóng quân trên mạng xã hội trước khi di chuyển, thu hút một lượng lớn người yêu ẩm thực theo chân họ. Mô hình bán hàng lưu động không dừng lại ở việc bán thực phẩm mà còn nhiều loại sản phẩm khác nhau như: may mặc, âm nhạc, hoa tươi, làm đẹp, trang sức, sách vở... Tại các điểm du lịch nổi tiếng cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải bán đồ ăn uống lưu động được trang trí vô cùng bắt mắt và có cả âm nhạc để thu hút người mua.
Tuy nhiên, bà Trang cũng khuyến cáo, về lâu dài, để tiếp tục cạnh tranh với các nhà hàng truyền thống tại TP HCM, mô hình xe lưu động cần liên tục nâng cấp chất lượng sản phẩm, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm trong bối cảnh đường phố để thu hút và giữ chân khách hàng.
Trung Tín